Tiếng kêu của chim cuốc đã đi vào ký ức, làm xao xuyến bao trái tim người dân quê, nhất là những kẻ tha hương như tôi. Từ trong tâm cảm, tiếng cuốc bao giờ cũng gần gũi, thân thương và gắn chặt với hồn quê, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên từ miệt đồng sông nước, cả đời quanh quẩn bên những liếp vườn, bờ tre, ao cá.
Chính vì tiếng con cuốc thiết tha, êm đềm và là loài chim dễ nuôi nên nhiều người còn săn cuốc về làm chim cảnh và thuần dưỡng như một loài chim cho vui cửa vui nhà.
Ở miệt vườn, mỗi con kinh con rạch, mỗi ngọn xẻo vàm sông, những hồ sen, ao súng, những giề lục bình, cỏ năn cỏ lát mọc dầy chính là nơi quần cư sinh sống của dòng họ nhà cuốc. Khi ráng chiều vừa ửng đỏ, vài tia nắng vàng chập choạng trên những lùm cây cũng chính là lúc đàn chim trời bay về tổ, chúng cất tiếng gọi đàn nghe thật êm tai. Duy chỉ có tiếng kêu của loài cuốc là buồn bã, cô đơn hơn mọi loài. Chúng không bay cao bay xa trên những mảng trời xanh mà suốt ngày chỉ lủi thủi dưới các lùm cây, bụi cỏ, lung bàu đầy lau sậy và cất lên giọng khắc khoải, sầu đưa cuốc... cuốc. Đó chính là tiếng nó gọi tình hoặc gọi đàn âu yếm vang lên từ vạn cổ khiến cho các cụ già ở cái xứ “về sông ăn cá về đồng ăn cua” mỗi lần lắng nghe giọng phát ra đều đều “cuốc… cuốc… cuốc tu oa…” đều cảm thấy lòng nao nao, xao động chiều hè:
"Ai xui con cuốc gọi hè/ Cái nóng nung nguời nóng nóng ghê".
Tiếng cuốc bâng khuâng gợi lại một tình quê tha thiết, mênh mang dội vào lòng người bao nỗi nhớ nhung và hoài cảm.
Xa xưa, quê tôi đâu đâu cũng rộn lên tiếng cuốc gọi đàn gợi nỗi buồn man mác. Nhưng không ai ngờ rằng tiếng kêu buồn đó lại chính là "bản án" đối với một loài chim thật đáng thương! Ông bà mình nói “Điểu tham thực tắc vong” có nghĩa là chim chết vì ham ăn nhưng cuốc thì lại chết vì tình và vì tiếng kêu quyến rũ mãi không thôi. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người thường bẫy cuốc bằng lụp (lục). Mỗi khi con cuốc rừng nghe con cuốc mồi cất tiếng kêu chúng liền tìm đến để tuyên chiến, cuối cùng bị sập bẫy. Khi con trống bị bắt, con mái buồn bã, cô đơn kêu ra rả suốt đêm ngày. Do đó khi nghe con mái trong lồng cất tiếng kêu bi ai, cuốc trống liền tìm đến để kết bạn, nhưng vừa đáp xuống chiếc lụp là đã rơi vào bẫy.
Giờ đây, các công trình xây dựng đã làm mất đi các mảng xanh thơ mộng, bờ ao, khóm tre... nhất là nạn săn bắt nhiều nên dòng họ nhà cuốc dần dần không còn chốn dung thân. Tuy nhiên, ở các nơi đồng sâu, vườn rậm ngày ngày vẫn còn văng vẳng những tiếng cuốc buồn đủ để gợi thương gợi nhớ và làm xao xuyến những con tim nặng nghĩa với miệt vườn, đồng thời giúp cho tuổi thơ có dịp gắn bó với một vùng quê yên ả thanh bình.
Một kiểu bẫy cuốc bằng lụp.
Cuốc nuôi trong nhà đã tinh khôn.
Một con chim cuốc đã thuần dưỡng.