Dân Việt

“Cuộc chiến” giải cứu cá tra Việt Nam

21/06/2011 06:07 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 19.11.2010, thông tin Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa con cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ làm chấn động các làng nghề nuôi và các doanh nghiệp chế biến cá tra ở ĐBSCL.

Hành trình cứu cá tra thoát khỏi danh sách đỏ thật cam go...

NTNN lên tiếng đầu tiên

img

Với sự lên tiếng kịp thời của báo chí, cá tra Việt Nam đã được “giải thoát” khỏi danh sách đỏ.

Ngay sau khi bị đưa vào danh sách đỏ, các cơ quan truyền thông đã đồng loạt vào cuộc và phản ứng rất gay gắt, yêu cầu WWF ngay lập tức đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ. Ngày 3.10.2010, thông tin cá tra gặp nạn xuất hiện, Báo NTNN ngày 3.12.2010 đã lập tức thông tin phản đối việc WWF đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ.

Ngày 4.12.2010, NTNN có tiếp bài “WWF đã nhầm lẫn!”; sau đó là hàng loạt những thông tin, bài viết khác yêu cầu nhanh chóng thành lập hiệp hội nghề nuôi cá tra; người dân cũng phản đối việc đưa cá tra vào danh sách đỏ…

Nông dân vùng ĐBSCL phản ứng gay gắt nhất, rất nhiều lão nông mới nghe 2 từ “sách đỏ” đã “la làng” và mong cơ quan chức năng giải cứu con cá tra. Một lão nông nuôi cá tra kỳ cựu ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bức xúc: “Mỗi năm, tui nuôi tới mấy trăm tấn cá tra mà đưa vào “sách đỏ” cái gì! Nó có quý hiếm gì đâu mà phải đưa vô. Cả xóm này cũng có cả ngàn tấn cá tra chứ có ít gì đâu. Mấy bữa nay trên tivi người ta nói ầm ầm về vụ cá tra mình bị mấy ông bên trời tây đặt điều này nọ rồi đưa vào sách đỏ mà phát tức!”.

Khi được giải thích thật cặn kẽ về danh sách đỏ của WWF, lão nông này lại càng phản ứng mạnh hơn nữa: “Chuyện này lại càng phi lý! Tui nuôi cá cả chục năm nay rồi có ô nhiễm môi trường gì đâu. Từ trước đến giờ con cá tui nuôi biết bao nhiêu ông Tây ăn mà bây giờ bày đặt khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua. Tui đề nghị Nhà nước mình làm thật mạnh để bảo vệ con cá tra của mình”.

Đi đến đâu cũng nghe nông dân bàn tán về chuyện con cá tra bị đưa vào danh sách đỏ, mai này nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL sẽ rất khó khăn…

Sạch từ ao nuôi đến bàn ăn

Những doanh nghiệp chế biến cá tra ở ĐBSCL cũng kịch liệt phản ứng việc WWF đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ. PV Báo NTNN ở Văn phòng ĐBSCL điện thoại cho ông Nguyễn Văn Phấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hiệp Thanh (Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), ông trả lời ngay: “Đó là chuyện hết sức phi lý và bịa đặt. Quy trình nuôi và chế biến cá tra của công ty chúng tôi và rất nhiều nơi khác ở ĐBSCL đều đảm bảo an toàn và đạt tiêu chuẩn quốc tế…”.

Ngày 5.12.2010, NTNN khởi đăng loạt bài “Cá tra sạch từ ao nuôi đến bàn ăn”, nội dung phản ánh: Các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản ở ĐBSCL đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001:2000, hệ thống ao nuôi đạt tiêu chuẩn Lobal GAP, hệ thống nhà máy chế biến, dây chuyền công nghệ đều đạt tiêu chuẩn quốc tế...

Tổng cộng, Báo NTNN đã có hơn 20 bài viết về việc cá tra Việt Nam bị đưa vào danh sách đỏ. Cuối cùng ông Mark Powell – người phụ trách thủy sản toàn cầu của WWF đến Việt Nam và cam kết gỡ bỏ cá tra khỏi danh sách đỏ. Ngày 17.12.2010, WWF quốc tế và WWF Việt Nam cùng VASEP, Hội Nghề cá ký thỏa thuận hợp tác phát triển cá tra Việt Nam theo hướng bền vững. Đến ngày 27.1.2011, hầu hết các nước châu Âu đều rút tên cá tra Việt Nam khỏi danh sách đỏ...

Sau bao ngày chịu tiếng oan, con cá tra tội nghiệp ở ĐBSCL đã được giải oan. Một hướng đi mới cho nghề nuôi cá tra cũng được vạch ra theo hướng bền vững. Con cá tra Việt Nam tiếp tục được bay xa trên thị trường thế giới sau một hành trình đầy cam go.