Chỉ tiêu của Công ty Điện lực Quảng Nam trong năm 2010 này là tiếp nhận mạng lưới và bán lẻ điện cho 92.707 hộ dân ở nông thôn. Nhưng đến nay, đơn vị này mới tiếp nhận và bán lẻ được cho hơn 20.000 hộ.
“Ôm” không nổi nhưng không chịu giao
Lâu nay, việc quản lý lưới điện ở nông thôn hầu hết thuộc về các hợp tác xã (HTX), UBND xã. Hệ thống lưới điện ở nông thôn được xây dựng chắp vá, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, tiết diện dây dẫn nhỏ và nhiều chủng loại, trong quá trình vận hành không được đầu tư sửa chữa nên xuống cấp trầm trọng. Dù vậy, các “ông chủ” điện này vẫn muốn “ôm”, không muốn bàn giao việc quản lý điện nông thôn cho ngành điện lực.
Do lưới điện không đến được nơi sản xuất người dân phải đào giếng lấy nước tưới cho đồng ruộng. |
Ông Lê Bá Vỹ - Phó trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Nam, cho biết: “Công ty điện lực tỉnh đã làm việc với 78 chủ tài sản (đơn vị quản điện nông thôn) trong tỉnh về việc tiếp nhận lưới điện, kết quả có đến 52 chủ tài sản chưa muốn bàn giao hoặc không chịu bàn giao. Đó là nguyên nhân việc tiếp nhận lưới điện trở nên ì ạch và bế tắc”.
Hộ nông thôn thiệt thòi
Ông Trần Văn Ba, thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình
Tại nhiều xã, hệ thống đường dây điện nông thôn là do người dân đóng góp xây dựng từ những năm 1990. 20 năm qua, đường dây không được cải tạo nên điện năng rất yếu, tình trạng thất thoát điện lớn, và kém an toàn.
Ông Trần Văn Canh, thôn 4, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, bức xúc: “Điện chỗ tôi 10 năm nay không ổn định, lúc mạnh, lúc yếu, nấu cơm bữa sống, bữa chín.
Nhà ai cũng phải sắm thêm ổn áp”. “Điện trồi sụt thất thường như vậy nhưng không hiểu sao tiền điện lại phải trả rất cao. Có tháng cúp 20 ngày, điện tăng lên 190 số trong khi nhà tui có 2 người, đêm bật lên chút ít cho sáng, ngày bắc 2 nồi cơm”- bà Trần Thị Liên, thôn 5, xã Quế Thuận, thắc mắc.
Việc các HTX và Ban quản lý điện ở UBND xã tiếp tục “ôm” lưới điện, người dân rất bất bình. Họ không muốn mua bán điện kiểu cảm tính, không theo giá quy định nào cả. Bên cạnh đó, các công tơ đo đếm mua trôi nổi trên thị trường với nhiều chủng loại khác nhau, không được kiểm tra, kiểm định.
Nhiều huyện bán kính đường truyền tải khá xa, vượt quy định cho phép (có nhánh rẽ dài 1,5- 2km) dẫn đến hao hụt điện năng lớn. Tổn thất điện năng chiếm hơn 25%, người dân phải chịu. Nếu như, ngành điện trực tiếp quản lý và bán điện, thì các hộ sử dụng trả tiền bằng giá điện người dân thành phố - 550 đồng/kWh. Còn HTX bán điện đến 700 đồng/kWh, thậm chí 1.000 - 1.500 đồng/kWh.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, cho rằng, nếu lãnh đạo ở địa phương không can thiệp giúp đỡ thì việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện sẽ không biết bao giờ hoàn thành, và nhiều hộ dùng điện nông thôn còn tiếp tục chịu thiệt thòi.
Nghệ An: Còn 129 xã chưa bàn giao
Theo ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn 129 xã chưa bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện do chưa đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cục bộ. Ông Trâm cho biết, trước năm 2008, tỉnh có quá nhiều tổ chức quản lý điện nông thôn. Phần lớn do thôn, xã chọn cử người làng ra quản lý mặc dù họ không được đào tạo nghề điện. Những người này chỉ biết thu tiền, không đầu tư nâng câp lưới điện do vậy lưới điện mất an toàn. Bên cạnh đó, giá điện nhiều nơi cao ngất ngưởng.
Ông Trâm cho biết, kể từ khi có chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý, công ty đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con nông dân, sự chung tay của nhiều cấp chính quyền địa phương. Do đó, đến cuối tháng 8 - 2010, toàn tỉnh đã tiếp nhận lưới điện 292 xã, cụm, 6 phường, 4 thị trấn, 1 đơn vị thanh niên xung phong, 16 cụm tại TP. Vinh.
Sau khi bàn giao, mỗi xã được đầu tư từ 2-3 tỷ đồng để lắp công tơ mới, cấy thêm trạm điện, thay các dây trục quá cũ nát. Vì vậy, đến tháng 6 - 2010, tổn thất điện năng của khu vực nông thôn đã giảm từ 40% xuống còn 26,89%. Số lượng khách hàng đã ký hợp đồng là 346.925. Ông Trâm cho biết thêm, đến nay công ty đã hoàn tất việc đầu tư tối thiểu cho 85 xã, đang thi công 98 xã và chuẩn bị triển khai 119 xã với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng. Tại các địa phương này việc quản lý kinh doanh điện đã đi vào nền nếp, lưới điện an toàn. Giá điện được tính theo quy định của nhà nước.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh còn 129 xã chưa bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý. Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều xã "ăn nên làm ra" từ nguồn thu tiền điện nông thôn nên "ngại" bàn giao.
Nguyễn Hải
Thu Nguyệt