Cha không phải nhà tâm lý, nên không thể tìm hiểu được cặn kẽ cái máu “anh hùng” của con vì sao mà có, cũng như không biết tường tận về cái gọi là anh hùng bàn phím. Cha chỉ lờ mờ hiểu rằng, sự hiếu thắng luôn có trong mỗi con người. Cái đức tính ấy, cũng giống như những đức tính khác của con người, nếu hướng vào những mục đích tốt đẹp thì sẽ rất ổn, và ngược lại.
Sự hiếu thắng đó đã giúp cha vượt qua bao nhiêu gian khổ để có được như ngày hôm nay. Nhưng sự hiếu thắng đó suýt nữa đã làm hại đời cha, khi ở tuổi mới lớn, cha nuôi trong mình cái ước muốn sẽ là người đứng đầu.
Và vì cha không thể đứng đầu lớp, đầu trường trong chuyện học bởi đó là việc rất khó khăn và mất nhiều công sức, cha phải nghĩ ra cách khác. Cha cầm đầu một nhóm bạn, rồi dần dần lên đến chức đại ca. Hồi đó cha oai phong lắm. Đi đến đâu bạn cùng học dạt ra đến đấy, lúc ấy cha chỉ nghĩ là họ sợ mình, sau này mới biết là kèm theo nỗi sợ ấy là sự coi thường.
Hồi đó, cha sẵn sàng bạt tai một bạn học chỉ vì một ánh mắt được coi là nhìn đểu, mà mãi sau này ba mới biết là do mắt người ấy bị trố bẩm sinh. Hay có khi, cha sẵn sàng gây chiến với một đám bạn khác theo một cách rất phổ thông là lấy nhiều đánh ít, nhưng vẫn mang tâm lý hả hê rằng mình là bất khả chiến bại. Cha lại càng hả hê hơn khi ngày ấy, nếu có xích mích, người ta cũng chỉ gọi cha lên trụ sở phường, bắt viết bản kiểm điểm rồi cho về.
Đến khi lớn hơn một chút, cha bỗng nhận ra rằng đó là trò nghịch của tuổi trẻ bồng bột. Cha cố gắng quên đi để làm những việc cần làm. Và đôi lúc, khi còn có một mình, cha lại thấy mình may mắn khi biết dừng lại, khi chưa muộn lắm.
Cha mẹ không cần con làm “anh hùng” ảo làm gì (Ảnh minh họa)
Có thể vì ngày ấy, cha và các bạn chỉ ngỗ ngược kiểu trẻ con mà không sử dụng đến các loại vũ khí như bây giờ, vốn ngày càng nhiều về mẫu mã chủng loại và quan trọng hơn là dễ mua. Chỉ có điều, thỉnh thoảng cha quên mất rằng con đang tuổi lớn, vẫn kể cho con nghe về ngày xưa đó như để chứng minh rằng cha cũng không phải dạng vừa đâu. Và hình như, con có vẻ hãnh diện về điều đó, chứ không hề hãnh diện về việc cha đã nai lưng ra lo cho cả gia đình như thế nào.
Làm cha làm mẹ, ai cũng muốn dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con cái. Cha cũng không ngoại lệ. Đời cha đã vất vả bao nhiêu, thì đời con phải được hưởng những gì tốt đẹp nhất. Cha mua cho con từ máy tính để xem phim, rồi đến khi có máy tính bảng thì chẳng nề hà gì mà không đầu tư cả. Con vừa có phương tiện giải trí, cha vừa khỏi lo con ra ngoài đường lêu lổng. Đời cha đã phải trải qua cả tuổi thơ gọi dạ bảo vâng lễ phép ngoan nhất nhà, nên cha muốn con được thoải mái, được tự do, được thể hiện cái tôi của mình.
Tất nhiên là cha thông cảm cho con. Bằng tuổi con bây giờ, cha cũng thích thể hiện mình, như đã nói ở trên. Cha cũng muốn mình là trung tâm của vũ trụ. Cha cũng muốn đi đến đâu, mọi cô bạn cùng trường phải nhìn theo, phải coi cha là hoàng tử trong mơ, mặc dù ngày ấy nhìn cha như một gã hề không hơn không kém.
Hồi đó, khi mốt là quần ống rộng, thì cha phải mặc bó sát vào người để tạo ra cái bây giờ gọi là sự khác biệt, mặc dù mỗi lúc mặc như vậy đi lại rất khó khăn. Khi người ta để tóc rẽ sang hai bên, thì cha vò cho tóc như tổ quạ, bởi quan niệm của cha là cần gì phải giống ai. Đại thể là như thế, để con hiểu rằng, việc con thích thể hiện mình hoàn toàn dễ hiểu và dễ thông cảm, ít nhất là với cha.
Đến đây thì con đã hiểu, tại sao cha không ngăn cản con chơi mạng xã hội, bởi thời nay đó là phương tiện để giao tiếp. Hồi còn nhỏ, tối nào mà cha chẳng ngồi ở bờ mương cùng bạn bè, đàn hát nghêu ngao, trêu gái tập thể, ăn trộm hoa quả nhà hàng xóm hay đại để làm một cái gì đó cho hết đêm. Nay thì những trò chơi ấy không còn nữa, nguyên nhân chính không phải vì lỗi thời mà vì thiếu không gian. Thế nhưng, cái ham muốn được là trung tâm của vũ trụ thì vẫn có.
Trên mạng, con tha hồ được nói, được cười, bởi trước mặt con là màn hình tinh thể lỏng nhưng lại là cả thế giới. Và để thỏa mãn cái ham muốn ấy, con phải ngày đêm nghĩ ra trò gì đó “độc, sốc”. Đến đây thì cha cay đắng nhận ra có một phần lỗi của mình, khi từ lâu nay cha có thú vui là khen con trước mặt người khác. Có lúc thì cha khen ôi con tôi giỏi lắm, mới chào đời đã biết khóc. Có lúc cha lại khen con là ôi con tôi rất nhanh nhẹn, ba tuổi đã biết nói. Lại có khi cha khen rằng con tôi chưa biết đọc mà chơi game nhoay nhoáy, phá đảo giết con trùm chỉ trong vài đêm. Từ nhỏ, con đã sống trong sự ve vuốt ấy, nên lớn lên, con có tự coi mình là giời, cha cũng không lạ.
Và cha cũng không thích cái cách các bậc cha mẹ than phiền về các con, rằng bọn trẻ hôm nay thế nọ thế kia. Thực tâm thì cha tin và rất muốn tin rằng, những gì con đang làm chỉ là trò ngạo nghễ của tuổi trẻ. Khi con thách đấu với một bạn nào đó chỉ vì bạn ấy chê mái tóc của con như tổ quạ, thì khác gì việc ngày xưa cha vật chú hàng xóm xuống đất chỉ vì chú ấy dám nhếch mép cười khẩy khi cha bị điểm kém môn Vật lý.
Đám đông hàng ngàn người đi theo con cổ vũ cũng khác gì đám trẻ trong khu phố hò reo inh ỏi khi cha và chú ấy vật nhau. Chỉ khác đôi chút, là nhờ có Internet, tin tức được lan truyền nhanh hơn, thành thử số người đi xem đánh nhau nhiều hơn mà thôi. Và cũng nhờ có Internet, mà thông tin cũng nhiễu loạn hơn khi các nhà đạo đức tự phong ấy lên tiếng về sự suy đồi đạo đức ở giới trẻ, trong khi, chưa chắc đã nghiêm trọng đến thế.
Cha cũng chẳng bao giờ quy cho con những tính xấu, bởi tuy con ngang tàng, con lên mạng gạ đánh nhau với bạn bè, nhưng chính con là người mang chú mèo bị bỏ đói về nhà nuôi cả tháng trời trước khi con vật đáng thương ấy tìm được chủ mới.
Đầu tiên, cha cũng chỉ nghĩ rằng con đang hưởng ứng một trào lưu nào đó trên mạng, hoặc con chăm sóc chú mèo ấy để tạo ra hình ảnh một thiếu nữ biết yêu động vật. Nhưng cha phải thú thật một cách vui mừng là, cha đã nhầm. Con chăm sóc chú mèo ấy là bởi con yêu động vật, điều này cha chưa bao giờ nghi ngờ. Tất nhiên, nếu không vì mục đích trở thành hot girl trên mạng, thì chưa chắc con đã hào hứng đến thế.
Cũng giống như cha, có năm cha học hành quên ăn quên ngủ chỉ để chứng tỏ với bạn gái của cha, mà sau này trớ trêu thay lại là mẹ của con, rằng một thanh niên ham chơi hư hỏng cũng có thể thành người tử tế, thậm chí xuất sắc theo tiêu chuẩn thời đó.
Ai cũng có một thời tuổi trẻ nhiệt thành và dại khờ. Cha hiểu rằng, ở lứa tuổi đó, những gì cha mẹ khuyên chưa chắc đã được nghe. Bởi như cha đã nói, ước muốn được khẳng định cái tôi của con nó quá lớn. Đến mức mà có khi bản thân con cũng biết mình phải làm gì, nhưng vì người lớn nói nhiều quá, lên lớp nhiều quá, nên làm khác đi cho bõ tức.
Chẳng hạn như khi mẹ con trót lỡ lời chê con rằng, làm con gái mà băm bổ thế, nóng nảy thế thì sau này không ai lấy đâu, thì con phải gân cổ lên cãi rằng thời nay khác rồi, những cô gái mơ mộng yểu điệu thục nữ mới khó lấy chồng, chứ hot girl cá tính như con thì đàn ông xếp hàng phải dài như đoàn người đi xe sang mua nhà dành cho người có thu nhập thấp.
Cha tin con, bởi chính con mới là người biết hơn ai hết việc làm thế nào để hấp dẫn những thanh niên cùng thế hệ. Niềm tin của cha lại càng có cơ sở hơn, là bởi tuy ngang tàng, nhưng con là đứa con gái biết nấu ăn, biết đan len bên cạnh việc chát chít nhoay nhoáy, chụp ảnh tự sướng thì đẹp gần như người ta đi chụp ở ảnh viện.
Cha thì vẫn yên tâm rằng, những chuyện này rồi sẽ qua. Cha mẹ không cần con làm “anh hùng” ảo làm gì. Cũng như trước kia, cha mẹ đã từ chối việc người ta muốn lăng xê con thành thần đồng, chỉ bởi vì hãng bỉm trẻ em tài trợ quảng cáo. Cha mẹ chỉ muốn con có một thời thanh xuân sôi nổi, hồn nhiên để làm điểm tựa tinh thần cho những ngày tháng sắp tới, khi con đã là một người trưởng thành.