Tổ chức New York Sun Works do kỹ sư Ted Caplow sáng lập năm 2004, đã đưa ra mô hình “làm ruộng” này, như một giải pháp cho vấn đề cung cấp lương thực trong tình trạng khí hậu biến đổi, ở những nơi đô thị đông đúc, như thành phố New York trong lúc phải làm sao để duy trì môi trường bền vững.
Một nông trại nhà kính trên nóc nhà chọc trời ở New York. |
Dự án đầu tiên do tổ chức này thiết kế có tên là Science Barge, một nhà kính được thiết lập trên sà lan trên sông, trong đó trồng các hoa màu theo phương pháp thủy canh. Giờ đây sà lan này đã biến thành một viện bảo tàng nổi đậu tại Yonkers, sát cạnh thành phố New York. Nhờ sự thành công của dự án đó, Tổ chức New York Sun Works tiếp nối với dự án thứ hai là dựng nông trại trên các nóc nhà của các trường học.
Mô hình này được Tổ chức Sun Works thí nghiệm ngay trong thành phố New York vì ở đây có một lợi điểm mà nhiều nơi khác không có, đó là vô số nhà chọc trời có những nóc nhà thênh thang bỏ trống, với một diện tích khoảng 16 triệu 700 ngàn m2. Nếu sử dụng hết khoảng trống đó vào việc canh tác, người ta có thể nuôi ăn dân số 20 triệu người ở khu vực đông dân của New York. Những nhà kính được thiết lập trên nóc nhà áp dụng phương pháp thủy canh có rất nhiều lợi thế.
Theo tờ the New York Times, Công ty Gotham Greens, trụ sở tại New York, đã thiết lập một nhà kính rộng chừng 1.400m2 để trồng rau trái trên nóc một tòa nhà tại quận Brooklyn, trong thành phố New York, cung cấp rau, trái cây và các loại rau thơm tươi cho các tiệm thực phẩm, các chợ nông gia và các nhà hàng ăn ở địa phương. Công ty này hy vọng sẽ sản xuất chừng 30 ngàn tấn rau trái 1 năm.
Ông Paul Lightfoot - Tổng Giám đốc Công ty BrightFarms, dự đoán rằng mỗi nông trại nhà kính như vậy sẽ có thể thu nhập từ 1 triệu đến 1,5 triệu USD mỗi năm, từ việc bán sản phẩm cho các siêu thị với giá bằng hay thấp hơn giá sản phẩm mà các nông trại theo lối canh tác cổ truyền cung cấp.
So phương pháp thủy canh trong nhà kính đặt trên nóc các tòa nhà lớn với phương pháp canh tác tại các nông trại cổ truyền, nhà đầu tư phải bỏ vốn nhiều hơn, chừng 2 triệu USD cho một nhà kính rộng khoảng 400m2. Nhưng mỗi vụ mùa lại thu hoạch nhiều hơn từ 6 đến 10 lần. Và phương pháp thủy canh không đòi hỏi phải có đất, không cần phân bón và nhất là nó tiết kiệm được tiền chuyên chở sản phẩm.
Một khi các nông trại kiểu này được thiết lập xong và đi vào nền nếp, chúng không đòi hỏi nhiều lao động để chăm sóc như phương pháp canh tác cổ truyền.
Hạ Anh