Dân Việt

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành: Đòn bẩy cho vùng Đông Nam Bộ

HỮU KÝ 10/08/2015 12:55 GMT+7
Với chiều dài hơn 57km đi qua 3 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Đây là một dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc – Nam được Bộ Giao thông- Vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2925/QĐ-BGTVT ngày 8.10.2010. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng vào ngày 19.7.2014 và hiện đang được các đơn vị thi công ráo riết triển khai nhiều hạng mục. 

img

Một số hạng mục của đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được thi công. Ảnh: H.K

Theo thiết kế dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có chiều dài 57,1km, đi qua các tỉnh Long An, TP.HCM, Đồng Nai. Đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h. Trên đường này sẽ có 20km cầu và cầu cạn, trong đó có 2 cầu dây văng lớn là cầu Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ, TP.HCM) và cầu Phước Khánh (nối huyện Cần Giờ, TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Theo ông Đặng Hữu Vị- Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, vốn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1 của dự án là 31.320 tỷ đồng, riêng chi phí giải phóng mặt bằng cho 2 giai đoạn khoảng 4 tỷ đồng. Do địa hình phức tạp nên trên đường cao tốc này đơn vị thi công phải thi công khoảng 20km cầu cạn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chi phí xây dựng lên cao. Ông cho biết thêm hiện các đơn vị thi công đang thực hiện gói thầu J2 (cầu qua sông Chà và cầu cạn đi qua huyện Cần Giờ) và vừa khởi công gói thầu J3 (cầu Phước Khánh). Trong đó dự kiến gói thầu J2 sẽ hoàn thành vượt tiến độ.

Ngoài ra, theo thông tin từ Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư), đơn vị này cũng đã lựa chọn được nhà thầu thi công gói thầu E1. Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết khi hoàn thành dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM. Tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng đường cao tốc, quốc lộ với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó đường cao tốc cũng làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa, rút ngắn hành trình từ tỉnh Long An đến tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại. Đặc biệt đường cao tốc này sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Pênh, TP.HCM - Vũng Tàu.