Các nhà khoa học cho biết, vào lúc cực điểm của trận mưa sao này, người xem có thể quan sát được 50-100 vệt sao băng/giờ hoặc có thể nhiều hơn trong điều kiện quan sát tối ưu.
Mưa sao băng Perseids diễn ra từ ngày 17/7 - 24/8 hàng năm và thường đạt cực điểm vào khoảng gần giữa tháng 8. Đây là một trong những trận mưa sao băng lớn và rực rỡ nhất trong năm (cùng với Quadrantids tháng 1 và Geminids tháng 12). Trận mưa sao này có nguồn gốc từ sao chổi 109P/Swift-Tuttle, có chu kỳ 133 năm.
Vệt sao băng Perseid chụp bởi Tim Erskine vào 12/8/2013, nguồn Earthsky.
Theo dự báo của Tổ chức sao băng quốc tế (IMO), mưa sao băng Perseids năm nay sẽ đạt đỉnh điểm vào khoảng từ 6h30 - 9h00 giờ UT ngày 13/8, tức khoảng 13h30 - 16h00 ngày 13/8 theo giờ Việt Nam.
Khi mưa sao băng Perseids đạt cực điểm, ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng (thuộc Bắc bán cầu, thời tiết tốt, ít ô nhiễm sáng và không có trăng sáng ảnh hưởng), số sao băng quan sát được có thể lên tới 100 vệt sao băng/giờ (ở những vùng thuộc Nam bán cầu tần suất chỉ khoảng 30 vệt sao băng/giờ).
Theo anh Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC), tại Việt Nam, thời điểm thích hợp nhất để quan sát là từ sau nửa đêm tới rạng sáng ngày 13/8 (những ngày lân cận 12 và 14/8), khoảng từ sau 1h sáng khi chòm sao Perseus chứa tâm điểm quan sát lên đủ cao ở chân trời đông. Năm nay Mặt trăng sẽ không ảnh hưởng tới khả năng quan sát các vệt sao băng của trận mưa sao này.
Mưa sao băng Perseids luôn là một trận mưa sao băng rất đáng chú ý trong năm, bởi đây là trận mưa sao luôn xuất hiện với rất nhiều sao băng rất sáng (còn gọi là fireballs, có độ sáng ngang với hành tinh Kim- Venus) so với nhiều trận mưa sao băng khác.
Bên cạnh đó, Perseids như mọi năm luôn là trận mưa sao băng đánh dấu khởi đầu chuỗi các trận mưa sao băng lớn thuận lợi quan sát ở Việt Nam gồm: Perseids - Leonids – Orionids- Geminids.
Tuy vậy, yếu tố thời tiết cũng là điều cần lưu ý đến. Thời gian diễn ra cực điểm của trận mưa sao này lại ngay vào giữa mùa mưa ở Việt Nam nên thời tiết luôn đóng một vai trò quyết định tới khả năng quan sát (độ tin cậy) cũng như độ rực rỡ của Perseids, dù cho đây là trận mưa sao đáng chú ý nhất của năm.
Một số kinh nghiệm khi quan sát mưa sao băng: - Mọi địa phương ở Việt Nam đều có thể quan sát được mưa sao băng. - Quan sát mưa sao băng là một hoạt động mà bạn chỉ cần dùng mắt thường. - Không cần thiết bạn phải xác định tâm điểm xuất phát của trận mưa sao băng này nằm ở đâu, bởi các sao băng có thể được quan sát ở bất cứ đâu trên bầu trời khi nó xuất hiện. Điều quan trọng nhất là bạn phải chờ tới khi tâm điểm này lên cao hơn so với chân trời. - Tránh nhìn ánh sáng trực tiếp và để cho mắt có nhiều thời gian thích ứng với bóng tối, ít nhất là 20 phút trước khi bắt đầu quan sát. - Ánh sáng của Mặt trăng hay ánh sáng đèn sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc chiêm ngưỡng các sao băng. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng bạn có thể thấy được số lượng các sao băng hơn rất nhiều lần nếu quan sát ở thành phố. - Chỉ khi thời tiết tốt, trời quang mây và thấy rõ các ngôi sao bình thường thì mới có thể thấy được sao băng. Nếu trời có nhiều mây, cũng đừng vội thất vọng vì bầu trời mùa mưa rất thất thường. - Mưa sao băng không có nghĩa là “sao bay như mưa”, do đó cần kiên nhẫn khi quan sát. Ở một trận mưa sao lớn như Perseids này thì những vệt sáng có thể xuất hiện cách nhau một đến vài phút, đôi khi bầu trời sẽ “lặng thinh” một lúc rất lâu nhưng có lúc chúng xuất hiện liên tục 2-3 cái. Cách nhận diện chòm sao Perseus có chứa tâm điểm của Perseids trong khoảng thời gian cực điểm. (Ảnh: minh hoạ từ phần mềm Stellarium) Muốn xác định được dễ dàng, bạn nên chờ đến khoảng 2-3h sáng khi chòm sao Perseus đã lên cao hơn. Hãy nhìn đúng hướng Đông Bắc, cách chân trời khoảng 20 độ (chiều rộng 2 nắm tay) bạn sẽ dễ dàng thấy được một ngôi sáng màu vàng nổi bật, đó chính là sao Capella của chòm Auriga (Ngự Phu). Bây giờ chếch về phía tay phải lên cao khỏi chân trời khoảng 30 độ có một sao nổi bật khác màu đỏ cam mang tên Aldebaran của chòm Taurus (Kim Ngưu), hãy kiểm tra lại Capella và Aldebaran vừa tìm cách nhau khoảng 3 nắm tay để chắc chắn. Từ 2 sao vừa tìm này bạn hãy chú ý chúng tạo với sao Algol của chòm Perseus 1 tam giác gần cân với đỉnh là Aldebaran (xem hình). Từ sao Algol chếch xuống phía dưới bên trái một chút là sao Mirfak có độ sáng gần tương đương. Hai ngôi sao chính của chòm Perseus này sẽ giúp bạn lần ra các sao phụ khác xung quanh và khu vực chứa tâm điểm xuất phát của trận mưa sao băng này. |