Dễ nhận thấy "hồn vía" văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng thiêng liêng của cư dân nền văn minh nông nghiệp lúa nước trong sự phong phú, đa dạng các tập tục tại nông thôn, đương nhiên một số tập tục đẹp vẫn tiếp tục phát huy giá trị: Cúng gia tiên, cúng ông Công ông Táo, cúng thành hoàng, lễ mừng thọ, lễ thôi nôi, tục kết chạ... Song bên cạnh đó cũng còn tồn tại hủ tục sinh hoạt: Tệ nạn rượu chè, cờ bạc, nghiện hút và việc cưới hỏi, tang lễ rất dềnh dàng phức tạp, tốn kém sa đà vào chuyện ăn uống nhậu nhẹt kéo dài 3 ngày liền… cố tình "phớt lờ" các phong trào tuyên truyền vận động "nếp sống văn hóa mới", "Làng văn hóa" đã triển khai nhiều năm nay.
Trong xu thế hội nhập phát triển với thế giới và cơn lốc dữ dội của cơ chế kinh tế thị trường, đặc biệt là quá trình đô thị hóa nhanh đã làm cho cảnh quan môi trường tự nhiên và đời sống văn hóa của người dân nông thôn có nhiều thay đổi. Những làng quê thanh bình với những mái ngói rêu phong bên lũy tre ruộng lúa thơ mộng vụt đổi thành phố xá khang trang, sầm uất. Hệ thống giao thông, thủy lợi, mạng lưới điện, y tế, trường học… đã được chú ý.
Các điểm văn hóa xã, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa được xây dựng, quan tâm. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nhanh chóng tiếp thu công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm thích ứng nhu cầu khách hàng. Do thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hàng loạt dịch vụ mới, làng nghề mới xuất hiện. Tất thảy "trăm hoa đua nở". Kinh tế làng xã và từng căn hộ gia tăng khiến mức sống và mặt bằng dân trí của người dân nông thôn được ổn định, nâng cao.
Sự khởi sắc diện mạo nông thôn trong quá trình đô thị hóa thật sự đáng mừng nhưng cũng kéo theo bao nỗi lo âu, trăn trở. Điều mà người ta lo ngại nhất và báo chí luôn cảnh báo là văn hóa truyền thống một có nguy cơ mai một trong khi văn hóa hiện đại đang gây dựng lại có nguy cơ lai căng.
Giờ đây rất hiếm làng quê giữ được trọn vẹn hình ảnh "cây đa, giếng nước, sân đình" bởi nhà nhà đã thi nhau lên tầng với đủ kiểu loại kiến trúc "tân cổ giao duyên", "nửa quê nửa tỉnh". Mới chục năm trước thôi, nhìn từ xa có thể thấy cây gạo là biết địa giới đầu làng, và cây cao bóng cả sum xuê thì có thể biết đó là khu vực đình đền chùa của làng xã. Nay, các làng quê "lên phố" hầu hết đã vắng bóng cây xanh, nhất là loại cây cổ thụ. Vấn nạn nan giải là sự ô nhiễm rác thải, nước thải từ các làng nghề (làm giấy, đúc đồng, đúc nhôm…).
Làng xã là nơi tập trung các loại hình di tích nhưng sự đầu tư tu bổ, khôi phục theo kiểu chắp vá hoặc làm biến dạng dấu ấn độc đáo vốn có của công trình. Lễ hội truyền thống nặng về phần lễ, nhẹ về phần hội, đôi khi thiếu hẳn sức sống giao cảm cộng đồng. So với những thành phố, mức hưởng thụ văn hóa ở làng, xã còn thấp. Người dân ở nông thôn ít được thưởng thức văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, hình thức giải trí chủ yếu là xem truyền hình, nghe đài. Báo chí cho độc giả nông thôn cũng rất thiếu...
Đô thị hoá làm gia tăng số lượng dân cư, sự du nhập giao thoa văn hoá thập phương tứ xứ phần nào làm cho đời sống đô thị thêm muôn hình muôn vẻ, nhưng nó cũng là tác nhân đánh mất đi tính bản sắc ở vùng miền. Lớp trẻ hiện nay thích loại nhạc xập xình, nhảy Hip Hop, mê xem phim hành động, giải trí và "nghiền" đồ ăn nhanh (Fast Food). Họ xao lãng tham gia hay thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống dù đó là "quốc hồn quốc túy" dân tộc.
Để các làng quê không chỉ giàu mà còn đẹp, vững mạnh cả "phần xác'' lẫn "phần hồn" Nhà nước cần đưa ra được chiến lượ và kế hoạch thực thi cụ thể về đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao dân trí đồng thời toàn thể xã hội chung tay góp sức.
Nhà báo Trương Thị Kim Dung (Báo Phụ nữ Thủ đô)