Tại Hà Nội, công ty Bảo Tín Minh Châu công bố giá giao dịch vàng miếng hiệu rồng Thăng Long lúc 08 giờ 58 là 38,04 – 38,13 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá SJC do công ty vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết cùng thời điểm ở mức mua vào 38,06 triệu đồng/lượng, bán ra 38,14 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần trước |
Trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn áp dụng giá mua vào đối với vàng miếng SJC đầu ngày là 38,09 triệu đồng/lượng, bán ra 38,16 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận lúc 08 giờ 59 mua vào 38,09 triệu đồng/lượng, bán ra 38,15 triệu đồng/lượng. Hệ thống Sacombank cũng nâng giá vàng miếng hiệu SBJ lên 38,08 – 38,14 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày thứ bảy (18.6), giá vàng trong nước hiện tăng khoảng 80.000 đồng/lượng.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố sáng nay (20.6) là 20,618. Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại là 20,650 – 20,750 (mua vào – bán ra), giảm 50 đồng trên cả giá mua và bán so với cuối tuần qua.
Giá vàng thế giới đã tăng mạnh gần 1% trong phiên giao dịch cuối tuần tại thị trường Mỹ, đánh dấu biên độ tăng lớn nhất trong một phiên trong suốt ba tuần qua. Trong khi đó, đồng USD giảm mạnh sau thông tin gói cứu trợ tài chính cho Hy Lạp bước đầu được thông qua.
Theo biểu đồ của Kitco, giá vàng giao ngay đóng cửa phiên cuối tuần đạt 1.540 USD/Oz. Thống kê trong 30 ngày qua cho thấy kim loại quý đã tăng gần 5%, nhờ hoạt động đầu tư vàng tăng, giữa lúc Mỹ công bố các thông tin kinh tế không tốt như kỳ vọng, khủng hoảng nợ tại châu Âu diễn biến phức tạp và trần nợ công tại Mỹ tiếp tục là chủ đề khiến giới đầu tư lo ngại.
Tuy nhiên, theo trang tin Moneycontrol (Mỹ), các yếu tố kỹ thuật cho thấy, đồng USD có thể phục hồi kết hợp với việc dầu trượt giá, sẽ là không có lợi cho đà tăng của vàng.
Thúy Yên