LTS: Thời gian qua, đã có rất nhiều bài báo viết về mắc ca, phần lớn thảo luận về chính sách vĩ mô phát triển loại cây này, trong khi những điều cụ thể hơn mà người trồng mắc ca đang “khát” như: Phân biệt giống thật - rởm, kỹ thuật ghép cây giống tốt... lại ít được nói đến. Bài viết sau đây sẽ giải đáp một phần thông tin này.
Mắc ca là cây lâu năm nên khâu giống phải được chọn lọc kỹ càng. Cây giống quyết định năng suất và chất lượng của hạt, vì vậy phải hết sức thận trọng để chọn được những cây giống tốt.
Hiểu kỹ thuật ghép giống để tránh bị lừa
Mắc ca có thể được nhân giống bằng cả hai phương pháp vô tính và hữu tính. Phương pháp hữu tính là nhân bằng hạt. Nhân bằng hạt thì quá đơn giản, nhưng cây được nhân bằng hạt thường bị phân tính. Cây giống được gieo từ hạt khó giữ được tính đồng đều của các tính trạng tốt ở cây bố và cây mẹ. Mặt khác, cây mắc ca gieo từ hạt rất lâu cho quả (thường từ 6-7 năm, cũng có nơi tới 8-9 năm). Do đó, tại tất cả các nước đã trồng mắc ca, người ta đều loại bỏ phương pháp này.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (giữa) trao đổi với người trồng mắc ca tại Đăk Nông. Ảnh: Trung Kiên
Còn phương pháp nhân giống vô tính rất phong phú. Nó bao gồm các phương pháp giâm cành, chiết cành, ghép mắt, ghép nêm, ghép áp, nuôi cấy mô và gần đây là vi ghép. Tới nay, đại đa số các nước đều áp dụng phương pháp ghép áp để nhân giống mắc ca, và khẳng định đó là phương pháp tốt nhất.
Nhân giống vô tính sẽ giúp ta giữ được các đặc tính tốt ở cây, chủ động tạo ra các giống tốt từ những nguồn gen tốt ở các giống đã được chọn lọc. Nhân giống bằng phương pháp ghép chỉ sau 3 năm cây đã cho quả. Tuy nhiên, nhân giống bằng phương pháp này tốn công hơn nhiều và thời gian tạo được cây giống cũng dài hơn.
Để tạo cây ghép, ta phải có 2 nguồn nguyên liệu là gốc ghép và cành ghép. Đối với gốc ghép, ta nên chọn cây từ hạt của những giống cây mọc khỏe, bộ rễ tốt. Nên chọn loại có vỏ nháp, cây dễ ghép hơn, chịu rét tốt hơn và chống bệnh cũng tốt. Các giống hiện nay được chọn để tạo cây gốc ghép là H2, 695, QN1... Phải ngâm hạt vào nước từ 1-3 ngày để chúng hấp thụ nước và thức phôi, loại bỏ các hạt xấu nổi lên mặt nước, sau đó ngâm tiếp 5 phút trong các dung dịch ngăn ngừa bệnh rồi đem ủ cho tới nứt nanh. Lúc này ta gieo chúng vào túi bầu như quy trình trồng các loại cây ăn quả khác. Khi cây được 12-15 tháng thì đưa đi ghép.
Hãy yêu cầu được xem vườn cây đầu dòng
Hiện nay Bộ NNPTNT đã công nhận 10 giống mắc ca để nhân ra làm giống. Chắc chắn, Bộ sẽ xem xét thêm một số giống khác, vì trên thế giới có hàng chục giống mắc ca, trong đó có rất nhiều giống tốt.
" Trước khi quyết định tham gia vào lĩnh vực mắc ca, bà con cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu của thị trường. Để không gặp phải rủi ro, người dân không nên tự ý làm mà nên tìm kiếm những chuyên gia và các tổ chức, doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm và khả năng để hợp tác, như vậy mới đảm bảo thành công”. |
Cơ sở làm giống bắt buộc phải có vườn đầu dòng và với số lượng lớn, đủ cành để ghép. Riêng việc này, bà con phải xem xét thật kỹ, không mua giống bán trôi nổi trên thị trường mà phải tới tận nơi sản xuất giống để mua và yêu cầu nhà chủ cho xem vườn đầu dòng. Cây trong vườn đầu dòng cũng phải là những cây đã cho quả vài vụ và đạt năng suất cao. Các cơ sở có uy tín thường sẵn sàng cho bà con tới thăm, còn các cơ sở chui lủi thường hay thoái thác.
Hiện nay, có một số giống đã được Bộ NNPTNT cho phép phát triển như: OC, 816, 849, 800, 856, 842, 741, 266… Ngoài ra, giống QN1 là giống Quế Nhiệt của Trung Quốc cũng là một giống rất tốt, cho năng suất cao và chất lượng hạt tốt.
Phương pháp ghép ở đây chủ yếu là ghép áp. Kỹ thuật ghép áp đối với mắc ca cũng giống như với cam, quýt, nhưng thời gian liền sẹo dài hơn. Chọn cành ghép phải có 2 mắt và dài 5-7cm, cắt vát sát mắt của đốt và không làm tổn hại tới mầm. Miệng ghép phải dài 2-3cm, làm sao để hai mặt cắt của gốc ghép và cành ghép áp sát với nhau. Nhựa của gốc ghép sẽ nuôi cành ghép khi hai phần áp với nhau. Dùng nylon mỏng bao bên ngoài. Lúc này, khâu chăm sóc rất quan trọng, phải dùng lưới che bớt nắng và tưới ẩm thường xuyên, loại bỏ những chồi mọc ra từ gốc ghép và phòng trừ sâu bệnh…
Một số cơ sở đảm bảo tạo giống mắc ca tốt như: Công ty Vinamacca (Đăk Lăk), điện thoại: 0989.089.685; Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, điện thoại: 0905.174.079; Công ty Xuất nhập khẩu và chế biến nông lâm sản (Ba Vì, Hà Nội), điện thoại: 0913.067.792.
Ngoài ra, bà con có thể liên hệ với sở NNPTNT các tỉnh để có được những chỉ dẫn tin cậy.