Dân Việt

Giá xăng có về mốc 16.000 đồng/lít?

Mai Hương 11/08/2015 13:15 GMT+7
Giá dầu thô thế giới đang giảm mạnh xuống mức kỷ lục và sắp về trở lại “đáy” 6 năm - trên dưới 40 USD/thùng xác lập hồi giữa tháng 3.2015. Câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra là liệu giá xăng dầu trong nước có giảm theo trở lại về ngưỡng 16.000-17.000 đồng/lít (xăng RON 92) như thời điểm đó?

Sẽ giảm nhưng khó thấp?

3 tháng đầu năm nay, có thể nói người tiêu dùng được sống trong những ngày tháng khá dễ chịu do được hưởng giá xăng chỉ từ 16.000 – 17.000 đồng/lít. Túi tiền của người dân và đầu vào của các ngành kinh tế sử dụng xăng dầu được tiết kiệm hơn rất nhiều nhờ xăng dầu có giá rẻ.

img

Giá xăng dầu trong kỳ điều hành tới đây được dự báo là sẽ không thể không giảm. Ảnh: Đàm Duy

Thời điểm này, giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm thế giới đều nằm trong chu kỳ giảm mạnh. Giá dầu thô thế giới có thời điểm giảm chỉ còn 42,03 USD/thùng lập được hồi tháng 3. Chu kỳ ấy hiện nay đang lặp lại, thậm chí nhiều dự báo của các chuyên gia nước ngoài còn cho hay, giá dầu thô thế giới có thể còn giảm về mốc 30 USD/thùng chỉ trong vài tháng tới. Tính đến ngày 10.8, giá dầu thô đã mất tổng cộng gần 7% khi giá dầu giao tháng 9.2015 trên sàn Nymex (WTI) chỉ còn 43,87 USD/thùng, giảm 79 cent (tương ứng giảm 1,8%).

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: Với đà giảm mạnh của giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm thế giới hiện nay, kỳ điều hành 15 ngày tới đây (tính từ 4.8) giá xăng dầu trong nước sẽ không thể không giảm. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, giá xăng dầu trong nước có giảm được về mốc 16.000-17.000 đồng/lít như hồi 3 tháng đầu năm hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

“Thuế phí với xăng dầu thời điểm này đã khác xa so với hồi đầu năm. 3 tháng đầu năm, thuế bảo vệ môi trường với xăng chỉ là 1.000 đồng/lít, còn hiện nay đã là 3.000 đồng/lít. Chi phí kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng đã lên tới 1.050 đồng/lít, chứ không còn ở mức dưới 1.000 đồng/lít. Do vậy, giá xăng dầu được điều chỉnh sẽ phải phụ thuộc vào các loại thuế, phí ở thời điểm này. Thuế, phí, chi phí kinh doanh mà càng cao thì giá xăng dầu sẽ cao và khó có thể giảm thấp như đà giảm của giá xăng dầu thế giới” - ông Long nói.

Theo ông Long, giá xăng dầu trong nước có quay trở lại ngưỡng 16.000-17.000 đồng/lít theo đà giảm của giá thế giới hay không còn phụ thuộc vào việc điều hành và chính sách điều tiết Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các cơ quan chức năng sắp tới. “Nếu chúng ta lại tăng trích tiền của người tiêu dùng vào Quỹ này khi giá xăng dầu thế giới giảm thì người dân sẽ khó có thể được hưởng giá xăng dầu thấp” - ông Long phân tích.

Người dân, nền kinh tế sẽ hưởng lợi, nếu…

Trên thực tế, người tiêu dùng và toàn xã hội đã được hưởng lợi rất nhiều khi giá xăng dầu thế giới và trong nước giảm mạnh. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, trong khoảng 3 tháng đầu năm 2015, giá trị gia tăng của GDP (tổng sản phẩm trong nước) ước tính tăng khoảng từ 2 - 2,3 điểm phần trăm và chỉ số giá sản xuất giảm khoảng 0,95 - 0,98 điểm phần trăm nhờ giá xăng dầu trong nước giảm. 

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, giá dầu giảm giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo ra vòng lan tỏa kéo dài trong nền kinh tế, kích thích tổng cầu, khiến nền kinh tế được kích hoạt và mở rộng.

Ông Lê Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quản lý dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam (PVN) còn đúc kết, nếu giá mỗi thùng dầu giảm 1 USD thì doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm 2,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, về tổng thể, giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế. Lợi đầu tiên là chi phí nguyên liệu như xăng giảm, kích thích sản xuất trong nước, kích thích tiêu dùng, về dài hạn sẽ tốt cho kinh tế.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Việt Nam không chỉ xuất khẩu dầu mà còn nhập mặt hàng này. Sản lượng xăng dầu nhập về còn lớn hơn cả dầu thô xuất khẩu, do đó ở chiều ngược lại, Việt Nam được hưởng lợi. “Khi giá thành nhập khẩu dầu mỏ và chế phẩm xăng dầu giảm mạnh như hiện nay thì giá bán lẻ trong nước nên giảm phù hợp để tạo hiệu ứng kéo giá hàng hóa thiết yếu giảm theo” - ông Nghĩa chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ quan điểm: “Các kỳ điều hành tới đây, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, chúng ta không nên tăng thu vào Quỹ bình ổn giá hay điều chỉnh thuế phí mà cần tính toán để giảm giá xăng dầu phù hợp cho người tiêu dùng và nền kinh tế được hưởng lợi”