- Lương Bằng Quang khá thành công trên con đường nghệ thuật như sáng tác nhạc, ca hát, vậy tại sao Quang lại “dính dáng” đến lĩnh vực kinh doanh vệ sĩ?
Ca sĩ Lương Bằng Quang huấn luyện nghiệp vụ cho các vệ sĩ |
Em cảm thấy nghề vệ sĩ mang tính chất đối ngoại nhiều hơn mà lợi thế đó thì em có. Trong một lần đi diễn tại một ký túc xá, khi tàn buổi diễn, là ca sĩ cuối cùng biểu diễn hôm đó, rất đông sinh viên ký túc xá ùa ra để muốn tiếp cận với em. Nhân viên vệ sĩ của công ty khác dường như muốn chứng tỏ mình, họ cứ cố bảo em ra, họ có thể xử lý được. Thế là các vệ sĩ dạt mọi người ra cốt để cho em được ra về mà không phân biệt đâu là con gái, đâu là con trai mà vô tình làm đau người hâm mộ, hiếu kỳ.
Từ đó, em nghĩ rằng một ngày nào đó em sẽ kinh doanh vệ sĩ tốt hơn nhiều. Vệ sĩ phải là lá chắn chứ không phải làm đau người khác và lúc đó chưa một công ty vệ sĩ nào ở Việt Nam làm được điều đó nên em mới có ý tưởng kinh doanh về lĩnh vực vệ sĩ.
Lương Bằng Quang đánh giá về mức độ chuyên nghiệp của vệ sĩ hiện nay như thế nào? Còn vệ sĩ của công ty Quang thì sao?
Quá trình huấn luyện cho từng vệ sĩ từ chưa biết gì cho đến lúc người ta có kỹ năng giao tiếp hiện đại, lịch sự và mang tính công nghiệp hơn một chút, em thấy vệ sĩ phải khôn khéo, lanh lợi chứ không phải đi ra ngoài mà mặt mày bặm trợn. Công ty em không đào tạo theo đường hướng vệ sĩ mang tính chất vũ lực mà phải có tác phong lịch sự, vệ sĩ hạng sang, phải khôn khéo, lanh lợi.
Vệ sĩ ở công ty em được đào tạo chuyên nghiệp về thể chất và quan niệm về nghề nghiệp. Em ưu tiên cho những người trong ngành công an về hưu hoặc bộ đội đã giải ngũ vì ý thức về nghiệp vụ của họ cao hơn, mình sẽ đỡ training (huấn luyện) nhiều hơn. Sẽ không mất quá nhiều thời gian để huấn luyện một người từ chưa biết gì cho đến biết gì. Chỉ huấn luyện thêm cho họ về kỹ năng giao tiếp với khách hàng.
Ca sĩ Lương Bằng Quang và các vệ sĩ thăm hỏi các cụ già neo đơn |
Lương Bằng Quang nghĩ sao khi đi làm từ thiện mà dẫn theo một loạt các vệ sĩ như thế trong khi trong mắt người dân không mấy thiện cảm về lực lượng vệ sĩ mang tính bạo lực?
Phải nói rằng các tờ báo lầm tưởng em đem theo vệ sĩ để đi làm từ thiện. Họ cho rằng em dắt vệ sĩ đi theo để bảo vệ tính chất an ninh cho riêng mình. Người ta không nghĩ rằng, bảy năm đi hát em chưa một lần sử dụng vệ sĩ lo an ninh cho riêng mình chứ chưa nói gì đến việc em đưa người của công ty đi làm việc không cần thiết.
Đó không phải là người mà em thuê mà là nhân viên của em. Nói nôm na rằng một người chủ một công ty đưa nhân viên của mình đi theo làm từ thiện là một chuyện hết sức bình thường. Một nghệ sĩ mà đi thuê vệ sĩ chẳng hạn như em trong một môi trường không cần thiết như vậy thì thật là vô duyên. Đối tượng khách hàng hôm đó là các cụ già neo đơn.
Em dặn tất cả các vệ sĩ đến thăm các cụ già phải xem họ như là khách hàng của mình, phải nâng đỡ các cụ già, nói nhỏ không gây mất trật tự... Anh em vệ sĩ phải trò chuyện thân mật với các cụ để lắng nghe, chia sẻ với các cụ, thậm chí cho số điện thoại cầm tay để khi các cụ cần giúp đỡ thì phải đáp ứng. Em huấn luyện cho vệ sĩ phải đa nhiệm một chút chứ không phải khách hàng thuê gì thì chỉ làm điều đó thôi.
Mỗi lần đi làm từ thiện như thế giống như một khóa học thực hành dã ngoại mà em muốn huấn luyện nhân viên vệ sĩ của mình về kỹ năng giao tiếp ứng xử. Những buổi em đi hát cũng dẫn theo anh em vệ sĩ nhưng không mặc đồng phục mà trang phục bình thường như mọi người. Đến đó, em sẽ hướng dẫn cho nhân viên của mình về khả năng quan sát và ứng xử để xử trí tình huống và quan trọng là tự học.
Ca sĩ Lương Bằng Quang và các vệ sĩ Công ty Bảo vệ An ninh Toàn cầu |
Hàng ngày Lương Bằng Quang huấn luyện cho vệ sĩ điều gì mà Quang cảm thấy tâm đắc nhất?
Vệ sĩ là những người trẻ, những người cơ bắp mà bước vào công việc kiếm tiền, họ quên đi cách đối xử với người già, trẻ em thì họ cảm thấy người họ rất cứng nhắc, bạo lực. Em thường đưa họ đi thăm người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để họ có tình thương và đối xử nhã nhặn hơn chứ không phải bất kỳ cái gì cũng sử dụng vũ lực.
Em yêu cầu các vệ sĩ chỉ sử dụng bằng luật chứ không sử dụng bằng vũ lực. Vệ sĩ của các công ty khác quên rằng “cao nhân bất khả lộ”, chỉ cần hiền lành nhưng khi cần thiết thì mới dùng vũ lực. Vệ sĩ công ty em không được chứng minh và khẳng định mình trước các đối tượng khác bằng cách quát nạt, ra vẻ, hù dọa. Khách hàng luôn luôn là người đúng, chỉ có chúng ta chưa làm tốt được bổn phận của mình. Cho nên nhân viên của em ngầm hiểu được và tâm nguyện “làm tốt, làm tốt và làm tốt”.
Linh Đan