Sa kê có tên khoa học là Artocarpus, thuộc họ dâu tằm (Moraceae) được trồng nhiều ở châu Phi, Malaysia, có nơi còn gọi là cây bánh mì, trái bánh mì. Ở Việt Nam, sa kê có mặt nhiều nhất ở vùng Tây Nam bộ, nhưng trải qua một thời gian dài loài cây này bị quên lãng vì hiệu quả kinh tế không cao. Kể từ hơn 10 năm nay, nhờ sự mày mò sáng tạo của các chuyên gia ẩm thực trong quá trình chế biến, các món ăn ngon từ trái sa kê lần lượt xuất hiện trong thực đơn bữa tiệc nên loài cây này được nhiều người phục hồi để lấy trái. Ngoài làm thực phẩm, hiện nay nhiều người còn trồng sa kê nơi công viên, hoa viên, sân vườn để làm cảnh và làm thuốc.
Sa kê trồng làm cảnh và làm thuốc, trái làm món ăn.
Trái sa kê da màu xanh, gai non, thân có hình tròn hoặc hình trứng như quả mít tố nữ. Bổ trái ra không hạt, cơm thịt màu trắng ngà, khi chế biến chỉ cần gọt bỏ vỏ và bỏ cùi bên trong, giữ lại phần thịt.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá sa kê khô nấu nước uống thường xuyên có công dụng ngăn ngừa được bệnh gút, tiểu đường và áp huyết cao. Hiện nay bà con thường dùng thịt trái sa kê để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như lăn bột chiên, nấu kiểm, nấu chè, hầm dừa, làm các món chay, độc đáo nhất là nấu với sụn sườn heo.
Sa kê nấu canh sụn sườn.
Sa kê làm món gì cũng ngon, cũng hấp dẫn.
Muốn thưởng thức đúng điệu món này, chúng ta nên chọn những trái già, đầy đặn, dùng phần thịt xắt ra từng miếng vuông, đem ngâm với nước muối cho sạch mũ, để ráo, sau đó đem ướp chung với muối, đường, bột nêm cho thắm đều. Sụn sườn heo cũng đem chặt khúc, ướp với tỏi, tiêu, hành, nước mắm. Cả hai thứ sa kê và sườn đều được xào sơ qua cho thơm trước khi cho và nồi nấu chung. Khi nấu nên đổ nước xăm xắp, giữ lửa đều và nêm nếm cho vừa ăn. Trước khi ăn thêm chút hành và ngò để kích thích khẩu vị.
Sa kê tuy là món ăn dân dã nhưng thơm ngon, lạ miệng nhờ thịt trái mềm, dẻo, bùi và béo, vị ngọt tự nhiên. Đặc biệt sa kê khi phối khẩu với sụn sườn càng làm tăng thêm chất bổ dưỡng, hương vị đậm đà, càng ăn càng thấy ngon miệng.