Với người nông dân thì càng cần phải lao động cần cù, chịu khó mới có cuộc sống đủ đầy. Nông dân chúng ta có lười không, câu trả lời là không. Chắc chắn như vậy, chưa ở nơi nào có được sự chuyên cần như nông dân Việt Nam, họ có thể làm từ sáng sớm đến trưa, từ chiều đến tối, từ tối đến đêm… Ấy thế nhưng, vì sao họ vẫn không giàu, mà phần đông chỉ ở mức đủ ăn, thậm chí nghèo?
Trong những năm qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp nước ta đã có những chuyển biến nhất định, song có thể khẳng định hầu hết người nông dân hiện nay vẫn sản xuất theo kiểu “tự bơi”, nghĩa là họ phải tự lo đầu vào, tự mình quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, rồi đến khi thu hoạch lại tự mình đi tìm thị trường, lo đầu ra cho sản phẩm.
Cũng bởi vậy, nên dù có chăm chỉ đến mức nào để làm ra những quả dưa, con cá, con gà, con lợn… nhưng chỉ cần thị trường rớt giá, thì mọi công sức mà người nông dân bỏ ra lại thành vô nghĩa. Đây chính là điều nghịch lý lớn nhất của ngành nông nghiệp nước ta khi rõ ràng, người nông dân càng làm ra được nhiều sản phẩm thì càng khó khăn, thu nhập thậm chí còn thấp đi.
Vì những lý do trên, nên bây giờ Nhà nước mới đặt ra vấn đề “tái cơ cấu nông nghiệp”, mà nói nôm na là sắp xếp, tổ chức lại sản xuất những cây, con theo định hướng của thị trường. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây là ai tái cơ cấu, tái cơ cấu cái gì? Chắc chắn, người nông dân sẽ không thể tự mình “tái cơ cấu” được, bởi bổn phận của họ là sản xuất ra sản phẩm trên chính mảnh ruộng, đồng đất của mình.
Vậy là Nhà nước? Câu trả lời cũng có thể là không, bởi làm sao Nhà nước có thể bảo người nông dân trồng cây này, nuôi con kia được khi nông dân họ mới là người quyết định.
Vậy thì ai, mới có thể quyết định được việc tái cơ cấu nông nghiệp. Thực tế cho thấy, đó là việc của thị trường, mà thị trường ở đây chính là doanh nghiệp, bởi chỉ có doanh nghiệp họ mới biết, mới hiểu thị trường đang cần củ gì, quả gì, con gì để từ đó, có định hướng sản xuất.
Tuy nhiên, có một khó khăn lớn đang cản trở doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là các cơ chế chính sách do Nhà nước đưa ra dường như chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt là vấn đề đất đai. Doanh nghiệp đã làm, thì họ phải làm trên diện tích lớn hàng nghìn, thậm chí vài chục nghìn ha đất, nhưng bây giờ lấy đất ở đâu, thì không ai trả lời được. Liên kết với nông dân thì khó, bởi tâm lý của phần lớn nông dân hiện nay là muốn làm chủ, dù chỉ là chủ của 1-2 sào ruộng, chứ quyết không chịu đi làm thuê, dù việc làm thuê đó sẽ mang lại cho họ thu nhập cao hơn, ổn định hơn.
Một số chuyên gia có nhận định, để thực hiện tái cơ cấu và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trước tiên chúng ta cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có những vùng đất lõi, mặt khác Nhà nước thể hiện được vai trò lớn hơn trong việc kết nối, là trọng tài để liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, có như vậy mục tiêu tái cơ cấu mới đạt được hiệu quả mong muốn.