Nhập nhèm “nạo vét” - “khai thác”
Ngày 28.1.2015, Cục Đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ) thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ký hợp đồng (số 03/2015/HĐ-NVTT) với bên nhận thầu là Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu (thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thuỷ nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm với tổng chiều dài 5.075m trên sông Cầu (thuộc địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang).
Tàu thuyền hoạt động tấp nập trên sông Cầu, đoạn thuộc dự án “nạo vét, duy tu” luồng đường thủy nội địa. (Ảnh: L.T)
Theo hợp đồng này, khối lượng nạo vét khoảng 146.000m3 (sản phẩm gồm cát, đá, sỏi...). Do không sử dụng vốn ngân sách nhà nước nên nhà thầu được phép sử dụng và bán các sản phẩm.
Ngay sau đó, nhà thầu đã nhanh chóng huy động lượng lớn tàu thuyền có chức năng, công suất “khủng” vào thực hiện dự án này. Theo ghi nhận của PV, các đoạn sông Cầu mà nhà thầu đang triển khai dự án nạo vét luồng tuyến cũng song song diễn ra hoạt động tận thu cát, sỏi đá. Tàu cuốc (tàu chuyên dụng khai thác cát công suất lớn) miệt mài “ăn” cát và đổ lên tàu vận chuyển.
Theo tài liệu PV có được do Cục ĐTNĐ cung cấp thì trong hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư có thể hiện: Biện pháp thi công là “sử dụng tàu cuốc với công suất khai thác 100m3/giờ”.
Còn theo phản ánh của một số người dân địa phương ven sông Cầu, cát được bán ra với giá: Cát san lấp là 30.000 đồng/m3, cát xây dựng 50.000-80.000 đồng/m3. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, với khối lượng cát thu được từ tàu cuốc với công suất 100m3/giờ (hoạt động gần như cả ngày đêm), mỗi ngày thu trung bình trên dưới 100 triệu đồng, đủ biết nhà thầu của dự án nạo vét thu được bao nhiêu tiền.
Tuy vậy, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Trọng (cán bộ phòng Quản lý dự án Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu) lại khẳng định: Đây chỉ là hoạt động nạo vét theo đúng nội dung dự án đã được Bộ GTVT chấp thuận. Không nên dùng từ “khai thác” ở đây.
Sửa đổi triệt để Thông tư 37
Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu mới được thành lập tháng 5.2014. Thẩm định năng lực của nhà thầu này, Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh Bắc Ninh chỉ đưa ra đánh giá ngắn gọn: “Có chức năng ngành nghề liên quan để thực hiện dự án…”. Theo lý giải của một số chuyên gia trong lĩnh vực, kết luận này cũng đồng nghĩa với nhận xét nhà đầu tư chưa có chức năng chính (mới là chức năng liên quan) để thực hiện dự án “nạo vét, duy tu tuyến luồng đường thủy quốc gia”.
Để làm rõ hơn vấn đề này, PV đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa. Ông Thọ giải thích: “Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương và chỉ rõ nhà thầu (văn bản số 12677/BGTVT-KCHT, ngày 8.10.2014), theo đó Cục phải có trách nhiệm giải quyết “đề xuất” của nhà thầu và phải thực hiện các bước để hoàn tất hợp đồng.
Phóng viên đặt câu hỏi: Vậy có phải Bộ GTVT đang “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vừa cho chủ trương và vừa chỉ định nhà thầu cho dự án? Rất tiếc, PV đã không nhận được câu trả lời từ ông Thọ (?).
Theo tìm hiểu của PV, chủ trương nạo vét luồng đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng, bến thuỷ nội địa kết hợp tận thu sản phẩm được quy định tại Thông tư số 37, ngày 15.10.2013 của Bộ GTVT do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký. Thông tư 37 này đang bộc lộ nhiều bất cập, tạo ra sự nhập nhèm, không rõ ràng ranh giới giữa việc “nạo vét” và “khai thác”; khối lượng khoáng sản đăng ký nạo vét cũng không sát thực tế… Do đó đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện dự án “nạo vét duy tu”, nhưng thực chất là mượn cớ để khai thác khoáng sản?
Ông Trần Văn Thọ khẳng định, Cục đã trình Bộ GTVT đề xuất sửa đổi Thông tư 37. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, dự thảo thông tư mới (sửa đổi Thông tư 37) thực chất cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ” do trong đó vẫn có những quy định không rõ ràng, có thể giúp các doanh nghiệp lách luật, trá hình “nạo vét, duy tu” luồng tuyến đường thủy nội địa để tận thu tài nguyên quốc gia. |