Có những biểu hiện đặc biệt ở trẻ tự kỷ khiến phụ huynh lại tự hào vì cho rằng đó là những hành vi “chỉ có ở những bậc thiên tài”(?!).
Trẻ bị tự kỷ nhưng cha mẹ lại nghĩ con thông minh
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện tại Việt Nam, số trẻ được chẩn đoán tự kỷ đang tăng mạnh từng năm. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 20.000 trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ.
Các chuyên gia y tế cho rằng, trẻ tự kỷ thường biểu hiện ít giao tiếp với người xung quanh, chậm nói, chậm nhận thức, lạnh lùng, ngại nhìn mọi người, kém ăn, khó ngủ, quấy khóc, có những hành vi khác thường không giống như những đứa trẻ khác như nói một mình, múa một mình, có trẻ thì tăng động…
Theo BS Quách Thúy Minh – Trung tâm Điều trị Tư vấn Tâm bệnh và Tự kỷ (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec), số lượng trẻ được đưa đến đây khám do chậm nói, khó khăn về khả năng ngôn ngữ ngày càng tăng. Có ngày trung tâm đã khám cho khoảng hơn 10 trẻ với những dấu hiệu của tự tỷ.
Tuy nhiên, BS Minh bày tỏ lo ngại vì nhiều phụ huynh lúc đưa con đến khám, khi nghe bác sỹ cho biết trẻ mắc bệnh tự kỷ đã rất hoảng hốt và tỏ ý “không tin bác sỹ”. "Nhiều phụ huynh thực sự ngỡ ngàng khi được thông tin tình trạng bệnh của trẻ vì từ trước tới nay họ đều nghĩ con thông minh, biết nói tiếng Anh sớm, trí nhớ tốt, bấm máy tính, ipad giỏi", BS Minh chia sẻ.
Trẻ tự kỷ được can thiệp bằng trò chơi tại Khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương). Ảnh: MT
Lý giải về điều này, BS Minh cho rằng, sở dĩ có tình trạng như vậy vì trẻ tự kỷ thường có một số năng khiếu đặc biệt nên cha mẹ rất dễ nhầm lẫn. Nói về tình trạng số trẻ mắc tự gia tăng, BS Minh chia sẻ, điều kiện khí hậu, môi trường ô nhiễm, thức ăn nhiễm hóa chất cũng là một trong những nguyên nhân.
Bên cạnh đó, để tình trạng trẻ tự kỷ được thăm khám và điều trị muộn gia tăng trong thời gian qua là do các bậc phụ huynh lơ là, chủ quan, thiếu kiến thức về bệnh tự kỷ, dẫn tới bỏ qua giai đoạn can thiệp vàng (trước 2 tuổi), ảnh hưởng tới tương lai của trẻ.
Thời điểm nào điều trị tốt nhất cho trẻ ?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiệm vụ của các bậc phụ huynh khi có trẻ nhỏ là cần theo dõi sự phát triển của con cái, phát hiện “giai đoạn vàng” để điều trị bệnh (nếu có) cho trẻ kịp thời. Đó còn chưa kể, hiện việc chữa trị cho trẻ tự kỷ tốn kém thời gian kinh phí nên rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội.
Theo đó, giai đoạn điều trị cho trẻ tự kỷ 18-36 tháng tuổi là tốt nhất. Trong trường hợp trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm hoặc phát hiện sớm nhưng gia đình không chấp nhận can thiệp y khoa để trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch hơn, thì rất có thể trí tuệ của bé sẽ chậm phát triển. Nếu nặng hơn có thể rối loạn tâm thần, sống chung với bệnh suốt đời.
Để việc điều trị trẻ tự kỷ đạt hiệu quả, các bác sỹ khuyến cáo cha mẹ và người thân nên thường xuyên trò chuyện với trẻ, đưa trẻ đi chơi, giao tiếp với bạn bè, hòa nhập với xã hội, không nên để trẻ sống biệt lập. Bởi việc tiếp xúc nhiều với các bạn khác sẽ giúp trẻ có được sự tự tin vào xã hội và cuộc sống, cũng như hình thành cảm xúc một cách toàn diện.
"Việc giáo dục khả năng tự lập, rèn luyện tính tự lập, không dựa dẫm vào người khác, cũng như không bênh vực, chiều chuộng quá mức cho trẻ cũng góp phần làm giảm khả năng bị tự kỷ ở trẻ", BS Quách Thúy Minh nói.
Nói về khó khăn trong công tác chăm sóc trẻ tự kỷ hiện nay, BS Minh cho rằng, việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ còn nhiều khó khăn, nên việc dạy trẻ chủ yếu phụ thuộc vào các trung tâm chăm sóc. Bên cạnh đó, hiện đội ngũ giáo viên chuyên biệt vẫn đang hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có trẻ tự kỷ không nên phó mặc cho trường lớp, trung tâm giáo dục, còn gia đình chỉ đầu tư kinh phí.
"Nếu chỉ có cô giáo chăm sóc, dạy dỗ, trẻ tự kỷ chỉ đứng được trên một chân. Muốn đứng vững trên hai chân, trẻ cần có sự giúp đỡ của cả gia đình và nhà trường", BS Minh nói.
Bài học kiên trì BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) cho biết, trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ như: Không nói lời nào, lặp lại lời nói, đảo ngược câu, nói không đúng ngữ cảnh, không tiếp xúc mắt, gọi không quay lại, không biểu lộ tình cảm, không tự khởi xướng lời nói, thường có biểu hiện rập khuôn, xoay vòng, nhón gót, nhìn cận, bịt tai, chơi một mình… Theo chuyên viên âm ngữ Nguyễn Thị Hòa, để giúp trẻ có thể giao tiếp, phụ huynh cần kiên trì luyện tập cho trẻ. Sử dụng phòng yên tĩnh, giảm các tác động môi trường. Dùng các dấu hiệu gia tăng sự chú ý của trẻ như chạm vào tai để nghe, chạm vào má để nhìn. Sử dụng tên trẻ để mở đầu, ví dụ "An nghe nào". Cho trẻ nghe các âm thanh, cường độ khác nhau. Dùng âm nhạc và các tác động để tương tác với trẻ. Giúp trẻ ngồi yên, nghe, nhìn trong khoảng thời gian ngắn có thể bằng cách sử dụng đồ chơi, trò chơi trẻ thích. Sử dụng băng đĩa nhạc kích thích âm thanh nơi trẻ. Cho trẻ nghe tiếng kêu các con vật, khuyến khích trẻ bắt chước. Hãy làm cho trẻ thích thú và hưởng ứng sự thích thú của trẻ. Chỉ cho trẻ những vật đặc biệt, nói về những gì bạn đang nói tới. Giúp trẻ hiểu cử chỉ, hành động. Hãy chia sẻ với trẻ! Khi trẻ có món đồ chơi muốn khoe với bạn thì cầm lấy đồ vật đó và nói: “Ồ,đồ chơi đẹp quá!” trước khi trả lại trẻ. Lê Phương |