Dân Việt

Nơi nào bị sét đánh nhiều nhất thế giới?

Theo VnExpress 15/08/2015 17:00 GMT+7
Hồ Maracaibo ở Venezuela là nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới, trung bình mỗi km2 của hồ phải nhận 250 cú sét đánh mỗi năm.

Theo BBC, đây cũng là nơi hứng chịu khoảng 260 cơn bão hàng năm. Bão thường tới vào mùa hè, nhưng với các quốc gia dọc theo xích đạo, nhiệt độ cao hơn làm các cơn bão cũng tới thường xuyên hơn. Trước khi các số liệu chi tiết được phân tích, Cộng hòa Congo ở Trung Phi được coi là nơi có nhiều sét nhất, với khoảng 160 cú sét đánh mỗi km2 hàng năm.

Năm 2014, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố số liệu chính thức cho biết thung lũng Brahmaputra ở vùng viễn đông Ấn Độ là nơi có lượng sét cao nhất trong khoảng giữa tháng 4 và tháng 5, báo hiệu gió mùa về.

img

Sét đánh ngày 28/1/2014 tại hồ Maracaibo. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, tất cả đều không bằng hồ Maracaibo ở Venezuela. Số lượng các cơn bão ở đây chỉ hơi giảm vào các tháng mùa khô (tháng 1 và tháng 2) và đạt đỉnh điểm vào mùa mưa, quanh tháng 10. Vào thời điểm này, cứ mỗi phút có thể quan sát thấy trung bình 28 cú sét đánh.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu trong nhiều năm để lý giải cường độ bão và sét nhiều bất thường ở đây. Ban đầu, trong những năm 60 của thế kỷ 20, người ta nghĩ là do các mỏ urani thu hút nhiều sét về. Gần đây có một giả thuyết cho rằng độ dẫn điện của không khí trên mặt hồ tăng do khí metan giải phóng từ các mỏ dầu bên dưới hồ. Độ dẫn điện của không khí tăng dẫn đến có nhiều sét đánh xuống hồ. Tuy nhiên, các giả thuyết này đều chưa được chứng minh.

Theo tiến sĩ Daniel Cecil thuộc nhóm nghiên cứu sét, Trung tâm Khí tượng Thủy văn của NASA thì nguyên nhân là do các yếu tố về địa hình như độ dốc của triền núi, độ cong của bờ biển kết hợp.

Hồ Maracaibo nằm ở tây bắc Venezuela, chảy qua thành phố Maracaibo trước khi đổ ra biển Caribe. Nó nằm trong một nhánh của dãy Alpes nên ba mặt được bao bọc bởi núi cao. Trong ngày, Mặt Trời làm bốc hơi nước từ hồ và các vùng đất ẩm ướt xung quanh. Đêm đến, gió mậu dịch từ biển thổi vào đẩy khối không khí ấm này trộn lẫn với không khí lạnh từ núi tràn xuống. Sự trộn lẫn này tạo ra các cột khói cao tới 12 km.

Trong các cột khói này, những giọt nước trong không khí ẩm bốc lên từ hồ va chạm với các tinh thể băng trong không khí lạnh tràn từ núi cao xuống và tạo ra tĩnh điện. Sét đánh xuống hồ chính là sự phóng điện tĩnh theo hình zig-zag xuống mặt đất hoặc phóng điện giữa các đám mây với nhau. Tiếng sấm nghe thấy chính là sóng xung kích âm thanh được tạo ra do nhiệt độ rất cao của sét (có thể cao gấp 3 lần nhiệt độ bề mặt Mặt Trời) làm các lớp không khí xung quanh tia sét đột ngột bị nén lại. Đi kèm với sấm sét là mưa lớn và mưa đá.

img

Các bờ biển cong có thể làm tăng cường độ các tia sét. Ảnh: Ben/CC

Sét ở hồ Maracaibo rất sáng, tới mức có thể nhìn rõ từ khoảng cách 400 km. Các thủy thủ cũng lợi dụng ánh sáng này để định hướng trong đêm tối. Các màu sắc khác nhau của sét quan sát được có thể giải thích là do ánh sáng trắng bị hấp thụ một phần hay nhiễu xạ khi đi qua các lớp bụi và hơi ẩm. Tuy nhiên nếu ở quá xa hồ cũng sẽ chỉ thấy sét mà không nghe thấy tiếng sấm, do âm thanh bị môi trường hấp thụ hết.

Trong vòng 17 năm qua, bằng vệ tinh, các nhà khoa học thuộc NASA và Cơ quan thám hiểm vũ trụ Nhật Bản đã thu thập được một lượng dữ liệu khí tượng khổng lồ. Với những dữ liệu này, họ có thể lập một bản đồ các điểm nóng về sét trên toàn thế giới theo thời gian thực. Dùng bản đồ này, các nhà khoa học hy vọng có thể dự đoán chính xác khi nào có bão và sét đánh ở mọi nơi trên thế giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở các nước đang phát triển, nhiều người phải lao động ngoài trời mà không có các phương tiện phòng tránh sét.