Dân Việt

CPI tháng Sáu sẽ chỉ tăng trên 1%

22/06/2011 06:06 GMT+7
(Dân Việt) - Sau khi chỉ số giá (CPI) tháng 6 của Hà Nội và TP.HCM được công bố đã giảm tốc, nhiều chuyên gia dự báo, CPI tháng Sáu của cả nước sẽ chỉ tăng trên 1%.

Như vậy, tháng Sáu là tháng thứ hai liên tiếp CPI của Hà Nội và TP.HCM tăng chậm lại. CPI tháng Sáu của TP.HCM chỉ tăng 0,69% so với tháng Năm, còn tại Hà Nội, CPI tháng Sáu cũng chỉ tăng 1,21%. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho CPI của cả nước giảm tốc, bởi Hà Nội và TP.HCM là hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước, có tính quyết định tới chỉ số giá chung.

Đánh giá về "sự kiện" này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc CPI tháng Sáu tiếp tục tăng chậm lại là lôgíc. Bởi trong tháng Sáu, việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát vẫn được đẩy mạnh và đã phát huy tác dụng mạnh hơn. Việc thắt chặt tín dụng, tiền tệ, cắt giảm chi tiêu công từ ngân sách đã được thực hiện triệt để hơn. Hà Nội và TP.HCM đã tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn giá của năm 2011 vào thời điểm hiện nay cũng góp phần khiến CPI tăng chậm lại.

Ông Ngô Trí Long-chuyên gia kinh tế về lĩnh vực giá cả cũng cho rằng, CPI tháng Sáu giảm còn do thuận lợi từ giá thế giới. Hiện giá dầu thô chỉ đứng ở mức trên 90 USD/thùng, điều này tạo thuận lợi cho VN kiềm chế lạm phát. Dù giá xăng dầu trong nước chưa giảm, song Chính phủ cũng đã không điều chỉnh giá điện trong tháng Sáu, là yếu tố thuận lợi để chỉ số giá tháng này giảm. “Nói chung, tâm lý của người dân về việc "cái gì cũng tăng giá" đã phần nào được hạn chế trong tháng Sáu” - ông Long nói.

Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đưa ra nhận định, giá cả hàng hóa trong nước và quốc tế sẽ còn giảm trong quý III tới. Cũng theo nhận định của Tổ điều hành, CPI tăng chậm lại do được hỗ trợ bởi sự giảm giá trên thị trường hàng hóa thế giới, đặc biệt là đối với mặt hàng dầu thô. Với kinh doanh xăng dầu trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có lãi và nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm, các bộ ngành sẽ xem xét giảm giá xăng dầu trong nước.

Thực tế, trong tháng Sáu, nhiều mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu chững lại hoặc giảm giá, như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... do nguồn cung dồi dào. Từ nay tới cuối năm, nhiều yếu tố thuận lợi sẽ kìm giữ đà tăng giá nếu chúng ta thực hiện tốt các chính sách về tiền tệ, tỉ giá, lãi suất...