Tránh tạo môi trường thụ động
Không ít người cho rằng, Hội ND là đơn vị hành chính nhà nước, cán bộ hội là công chức nên việc đi công tác cơ sở phải có đủ kinh phí. Điều này là đúng, nhưng sẽ đúng hơn nếu Hội ND chủ động, tích cực tham mưu, xây dựng và đề xuất được các chương trình, dự án cụ thể, thiết thực, qua đó tạo nguồn lực để có kinh phí hỗ trợ cán bộ Hội đi thực tế cơ sở.
Ông Trần Văn Chiến (thứ 2 từ trái)- Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang thăm mô hình nuôi ong của Hợp tác xã Phong Thổ, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: P.Đ
Một số nơi, ngân sách eo hẹp, kinh phí bố trí cho hoạt động của Hội ND thường chưa đủ. Nhưng một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn ra đầu bài: Hội ND cứ xây dựng chương trình, dự án cụ thể, thấy thiết thực, cấp ủy, chính quyền sẵn sàng “quyết”... Nói như vậy để thấy rằng, nơi “nghèo” mà biết cách làm thì vẫn có phong trào tốt. Nơi “giàu” mà chưa biết cách làm hoặc có tâm lý trông chờ thì hoạt động hội dễ sa vào “hành chính hóa”, tạo môi trường thụ động cho cán bộ. Cán bộ ngại, “sợ” đi thực tế cơ sở. Lâu ngày kiến thức, năng lực của cán bộ bị mai một dù trước đó họ được đào tạo bài bản…
“Tạo việc ra mà làm”
" Cứ vào cuối tháng, Hội ND tỉnh lại họp nghe cán bộ báo cáo kết quả, tình hình sau chuyến đi công tác cơ sở. Qua thông tin báo cáo, những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, hội viên, thuộc phạm vi của mình thì Hội giải quyết, những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên thì Hội báo cáo, đề xuất giải quyết...”. |
Đó là thổ lộ của không ít lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành phố khi chia sẻ với chúng tôi về giải pháp hóa giải tình trạng “hành chính hóa” trong hoạt động hội. Tuy là địa phương còn nghèo, nhưng Hội ND tỉnh Tuyên Quang đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND ban hành cơ chế, chính sách và quy định, chế tài quản lý các nguồn lực, công việc giao cho Hội ND tỉnh trực tiếp và phối hợp tổ chức thực hiện. Có thể kể một số chương trình, chính sách cụ thể như quản lý vốn bảo trợ của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội cho ND xã Tân Trào nuôi bò sinh sản; hỗ trợ ND tái định cư phát triển kinh tế và xử lý chất thải môi trường nông thôn; hỗ trợ lãi suất và kinh phí cho ND vay vốn phát triển chăn nuôi kết hợp xây hầm biogas và 3 công trình vệ sinh… Ông Đỗ Trung Kiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Tuyên Quang nói: “Từ khi thực hiện các chương trình, dự án, đội ngũ cán bộ hội được đi công tác cơ sở thường xuyên, thậm chí phải làm cả ngày thứ 7, Chủ nhật. Tiếp xúc với thực tế, nắm bắt được tình hình ở cơ sở cán bộ hội trưởng thành thấy rõ”.
Bên cạnh chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng chương trình, dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hội ND tỉnh Hải Dương còn đề ra giải pháp hữu hiệu để cán bộ hội “cọ xát” với thực tế cơ sở. Từ năm 2009 đến nay, cán bộ Hội ND tỉnh 1 tháng phải đi cơ sở 1 lần và phải có cán bộ Hội ND huyện đi cùng để tránh tình trạng chỉ báo cáo tốt. Ngoài nắm bắt tình hình thực tiễn nông nghiệp, ND, nông thôn của địa phương đó, cán bộ Hội ND tỉnh còn kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, điều lệ, chương trình công tác của Hội...
Và thực tế cho thấy, ở địa phương nào cán bộ hội đi công tác thực tế tại cơ sở nhiều, chất lượng các báo cáo thể hiện nổi bật ở dung lượng thông tin, số liệu cụ thể và các đề xuất, kiến nghị rõ ràng, thiết thực.