Dân Việt

Nhiều lao động chưa biết chính sách

22/06/2011 10:47 GMT+7
(Dân Việt) - Dù 3 huyện nghèo của Nghệ An được hỗ trợ từ Quyết định 71, nhưng số lượng lao động đi XKLĐ vẫn còn thấp và nhiều người nghèo vẫn chưa biết chính sách này.

Chính sách còn xa vời

img

Gia đình anh Lương Văn Thương (xã Đồng Văn, Quế Phong, Nghệ An) có vợ đi XKLĐ được hưởng chính sách theo Quyết định 71.

Tháng 4.2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 71/QĐ-TTg phê duyệt đề án hỗ trợ lao động 62 huyện nghèo đi XKLĐ với các chính sách nổi bật như: Hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học; hỗ trợ tiền ở, tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu cho người lao động...

Hiện tại, trên địa bàn huyện Quế Phong tồn tại song song 2 hình thức tuyển lao động đi làm việc tại nước ngoài, một là các doanh nghiệp XKLĐ tuyển theo hình thức thông thường (lao động phải đóng tất cả các chi phí), hai là các doanh nghiệp tuyển lao động theo Quyết định 71. Ông Vi Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) nói: "Các doanh nghiệp XKLĐ theo hình thức thông thường khi về tuyển nói rất hay, rất "ngọt" về việc lao động không cần phải học gì cũng có thể đi XKLĐ nên bà con theo ào ào. Thế nhưng, lúc đi lao động phải đóng rất nhiều tiền, có lương cũng bị giữ lại 60%...”.

Cùng chung những bức xúc trên, ông Lò Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn (Quế Phong) cho biết: "Khi tuyển người đi XKLĐ, có doanh nghiệp nói là không cần học tiếng, không cần vay vốn vẫn đi được, nhưng lao động đăng ký, đóng tiền xong lại viện nhiều lý do không đưa lao động đi. Còn người đi XKLĐ rồi, khi gửi tiền về là họ giữ lại, chỉ cho vài triệu đồng mang về. Lúc đó người lao động mới biết phí dịch vụ là rất lớn". Khi nghe nói về Quyết định 71, nhiều người mới vỡ lẽ, nếu đi XKLĐ theo chương trình này, họ sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Thế nhưng, vì không được tuyên truyền nên rất ít người tiếp cận được chính sách.

Để “cò” hết đất sống

img Đây là chương trình rất hay mà người dân không biết, không được hưởng lợi. img

Theo số liệu của Sở LĐTBXH Nghệ An, trong năm 2010 tỉnh này đã có 11.238 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; số lao động đi theo Quyết định 71 của 3 huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn chỉ đạt 282 người và chủ yếu là thị trường Malaysia.

Ông Phan Sỹ Dương - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cũng thừa nhận kết quả triển khai Quyết định 71 còn thấp có so với các tỉnh khác, nguyên do là các huyện nghèo của Nghệ An có địa hình hiểm trở, công tác thông tin tuyên truyền tới cơ sở chưa có hiệu quả; lao động của các huyện nghèo chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên các doanh nghiệp XKLĐ cũng khó tiếp cận...

Ngoài ra, tâm lý lao động cũng là nguyên nhân khiến họ khó tiếp cận chính sách. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát - đơn vị thực hiện Quyết định 71 ở Nghệ An bày tỏ: "Tâm lý của nhiều người là muốn đi thật nhanh, ngại học... Các doanh nghiệp tuyển lao động dạng "xổi" sẽ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đó, nhưng như vậy lao động sẽ phải chịu thiệt thòi là không được hưởng chính sách hỗ trợ XKLĐ của Nhà nước, phải chịu phí cao, mức lương thấp... lại có nguy cơ bị trục xuất về nước vì chưa qua đào tạo".

Theo ông Sơn, nếu chính quyền cùng với doanh nghiệp phối hợp tốt chắc chắn mấy ông "cò" không còn đất sống nữa. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội khi cho vay vốn đi XKLĐ nếu không chuyển vào tài khoản cá nhân cũng sẽ kiểm soát được tình trạng doanh nghiệp "ma" tới lừa XKLĐ.