Mỗi lần có người nhắc đến truyền thống kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân xã Anh hùng Hữu Hòa và truyền thống gia đình mình là ông Đoàn Trung (79 tuổi ở xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội), con trai của đồng chí cán bộ Cách mạng tiền khởi nghĩa Đoàn Lễ lại như được dịp sống trong những kỷ niệm, những câu chuyện dù đã lùi vào quá khứ hơn nửa thế kỷ qua.
Đảng là niềm tin trong bóng đêm áp bức
Cuộc sống của gia đình đồng chí Đoàn Lễ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chủ yếu dựa vào nghề buôn nón. Hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm 1944, đồng chí Lễ tham gia kháng chiến đánh đuổi thực dân xâm lược. Một mình bà Lê Thị Tìu - vợ đồng chí Đoàn Lễ khi ấy phải gồng gánh vác công việc lo toan gia đình, chăm sóc nuôi dạy ba người con khôn lớn.
Ông Đoàn Trung tự hào khi nói về truyền thống kháng chiến của địa phương, gia đình mình.
Ông Trung nhớ lại, kể: Bố tôi ngày ấy tham gia Cách Mạng làm cán bộ xung phong tuyên truyền. Đến năm 1945 được cử về trực tiếp tham gia đội tự vệ chiến đấu của địa phương. Đó cũng là những tháng ngày gia đình phải sống nay đây mai đó vô cùng cực khổ. Bình thường, sáng ra chúng tôi chỉ được ăn một ít ngô luộc, tối đến được ăn lưng bát cháo. Vào ngày Tết cơm không có mà ăn. Mẹ tôi làm cả năm trời cũng chỉ mua nổi 3 chiếc bánh chưng nhỏ cho bốn mẹ con. Em trai tôi là chú Thưởng lại đòi ăn hai chiếc. Thương con nheo nhóc, mẹ tôi không cầm được nước mắt.
Quê hương Hữu Hòa ngày đó nhanh chóng được xây dựng, trở thành một trong hai cơ sở cách mạng đầu tiên của Huyện. Năm 1940, tại ngôi làng Phú Diễn, xã Hữu Hòa thành lập chi bộ Đảng và là Chi bộ Đảng thứ hai của huyện Thanh Trì ngày ấy. Từ khi thành lập chi bộ Đảng xã Hữu Hòa, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi của các đội du kích, đội tự vệ với nhiều hình thức hoạt động như phát truyền đơn, mở rộng khu căn cứ cách mạng tại địa phương.
Những năm1939 - 1945, Hữu Hòa trở thành cái nôi vững chắc nuôi giấu, che chở văn phòng Xứ ủy Bắc Kỳ do đồng chí Xuân Thủy phụ trách. Được Trung ương Đảng và Chính phủ tin cậy giao cho nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Bạch Thành Phong và nhiều đồng chí cán bộ cao cấp khác. |
Năm 1945, nạn đói đã diễn ra trầm trọng, cùng nạn lụt tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Đảng bộ xã Hữu Hòa đã lãnh đạo nhân dân 7 thôn chống lụt, đội tự vệ cứu được 6 người dân khỏi chết đuối. Đồng chí Đoàn Lễ trực tiếp vận động những nhà khá giả trong làng đứng ra nấu cháo cứu tế đồng bào 3 tháng, nhờ đó mà hạn chế tối đa số người dân Hữu Hòa bị chết đói.
Xã đầu tiên giành chính quyền của huyện Thanh Trì
Trong không khí của cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 16.8, đồng chí Bạch Thành Phong cầm lệnh Tổng khởi nghĩa về giao cho 2 Chi bộ Đảng xã Hữu Hòa. Ngay lập tức, đồng chí Ái đã phân công đồng chí Đoàn Phan Liêm và đồng chí Đoàn Lễ triệu tập anh em để bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa. Chiều cùng ngày 16.8, ngay sau khi tan cuộc họp, lực lượng tự vệ và nhân dân kéo nhau đi các làng đánh trống đình để triệu tập Chánh tổng, Phó tổng, Lý trưởng, Phó lý ra đình để giao nộp bàn ngà, triện đồng, sổ sách giấy tờ cho chính quyền cách mạng.
Không khí khởi nghĩa những ngày này vô cùng sôi động, từng đoàn người với cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, giáo mác trong tay tiến về các ngả hô vang khẩu hiệu. Mỗi làng của xã đều thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời. Như vậy, Xã Hữu Hòa là nơi tiến hành khởi nghĩa và thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên trong huyện Thanh Oai và Thanh Trì (phía Nam Thành phố).
Đêm 17.8.1945, lực lượng tự vệ của xã phối hợp với lực lượng tự vệ Tả Thanh Oai, chặn đánh hai xe ô tô của Nhật từ Thường Tín đi lên, địch bỏ chạy. Trong đêm đó ta thu được 03 khẩu súng, 200 viên đạn và 24 hòm quân trang của lính khố xanh.
Tối ngày 18.8.1945 một đoàn cán bộ Trung ương và Tỉnh ủy Hà Đông đã về chùa Làng Hữu Từ để thống nhất việc đưa lực lượng của xã lên Hà Nội tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ 1 giờ sáng đoàn biểu tình của xã đã lên đường, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh!”, “Đả đảo bù nhìn!”, “Việt Nam độc lập!” Đoàn có mặt tại cửa Nhà hát lớn sớm nhất, lúc đó trời vẫn còn tối. Mít tinh xong, đoàn được lệnh chuyển đến làm áp lực hậu thuẫn cho bộ phận thanh niên xung phong chiếm trại Bảo an.
Ngôi nhà của gia đình ông Lưu Viết Bất (hay còn gọi là ông Hai Cát), nơi nuôi dưỡng, che giấu đồng chí Xuân Thủy trong thời kỳ hoạt động bí mật, lãnh đạo phong trào toàn dân đấu tranh cách mạng, giành chính quyền.
Nhắc nhớ về sự hy sinh anh dũng của những người con trên đất mẹ Hữu Hòa mà ngày nay đã trở thành bản anh hùng ca bất tử, ông Trung trầm ngâm rồi kể cho chúng tôi câu chuyện về hai vị cán bộ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ Cách mạng. “Khi bị giặc Pháp phát hiện, cụ Nguyễn Tá Tích và cụ Lê Văn Đức đã dùng vũ khí chống trả quyết liệt, sau đó thoát được vòng vây của địch. Lúc bấy giờ, giặc Pháp dùng mưu kế dồn dân nhằm bắt sống cán bộ. Hai cụ đã trèo lên nóc ngôi nhà rồi ôm lấy nhau cùng mở kíp lựu đạn, cùng hy sinh quyết không lọt vào tay địch. Tiếng bom nổ cũng là lúc cụ Đức hy sinh, cụ Tích vẫn còn sống nhưng bị thương rất nặng. Để bảo toàn thông tin Cách mạng không bị giặc phát hiện, Cụ Đức đã xả thân lăn từ nóc nhà xuống trước sự bàng hoàng của giặc Pháp”.
Ngày xưa anh hùng, ngày nay phát triển
Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng tự vệ có vũ trang của xã Hữu Hòa đã kiên trì bám đất, bám dân, khi độc lập tác chiến, lúc phối hợp, hiệp đồng cùng các đơn vị bộ đội tại địa phương tổ chức những trận địa phục kích, phá tề. Điều này góp phần làm lên thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử của dân tộc.
Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Hữu Hòa lại tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng quê hương và đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội.
Vinh dự hơn, mới đây vào sáng 24.4.2015 Hữu Hòa đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Trò chuyện với chúng tôi, điều duy nhất ông Đoàn Trung còn băn khoăn, đó là mong muốn bảo tồn, lưu giữ ngôi nhà của những gia đình cơ sở từng nuôi giấu cán bộ trước đây tại địa phương, để thế hệ mai sau được biết đến. “Tôi mong mỗi ngôi nhà được các cụ như Xuân Thủy, Đỗ Mười, Bạch Thành Phong cùng một số đồng chí cán bộ khác từng ở trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp sẽ được ghi bảng hiệu rõ ràng và được bảo quản để lớp trẻ hiểu hơn về lịch sử của địa phương. Vì đó là niềm tự hào của Hữa Hòa mà không phải làng quê nào cũng có được”.
(Ghi theo lời kể của ông Đoàn Trung, xã Hữu Hào, Thanh Trì, Hà Nội)