Không chỉ giàu, ông Kim còn được mọi người biết tới bởi cái sự biết lo và chăm chút tới những người xung quanh.
Lối đi ngay dưới chân mình
Từ huyện Vị Xuyên, con đường độc đạo dẫn vào xã vùng 3 Ngọc Linh nơi ông Kim ở, nay đã dễ đi. Khi mặt trời đứng bóng trên dốc Mèng, trải ra trước mắt chúng tôi là cả một khoảng hồ xanh ngút mắt cùng vườn cây và trang trại. "Đại bản doanh" của tỷ phú Trương Văn Kim hiện ra trong tầm mắt.
Chăn nuôi trâu hàng hóa cũng là một trong những thế mạnh của “tỷ phú vùng 3” Trương Văn Kim. Ảnh: S.N
Sau tiếng gọi của người vợ, ông Kim xuất hiện. Ông khoẻ hơn cái tuổi đã quá 70 của mình, đậm chắc với một âm giọng không thể chê vào đâu được. Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, một con người có tiền tỷ trong tay như ông ở cái xã vùng 3 này nhưng ông giản dị quá! Chiếc quần chàm xắn ngang ống chân, chiếc áo bộ đội cũ khoác trên người, ngang lưng ông là một ống tre khá to đã lên nước để giắt con dao lên rừng.
“Là người dân tộc, kiến thức ít, đông con, sống ở một xã vùng 3, như bao người khác, gia đình tôi đói kém lắm. Đói, nghèo gây chán nản, lại thêm tình trạng du canh du cư bùng phát, mấy lần tôi định bỏ đất mà đi. Suy tính mãi, tôi nghĩ, đi đâu bây giờ? Đất đai ở Hà Giang đâu mà chả như nhau. Nghèo khó chỉ tại cái “thằng mình”. Lối đi dưới ngay chân mình, phải thay đổi cách làm để kiếm sự no đủ” - ông Kim kể.
Ông Trương Văn Kim.
Như tìm được “tri kỷ”, ông kể tiếp: Để thực hiện ý định của mình, tôi nghĩ ngay đến chuyện thay đổi cung cách làm ăn. Rất may, tối ấy, qua chiếc đài bán dẫn cũ mèm, tôi biết ở dưới xuôi đang thiếu trâu bò để cày kéo và để thịt nữa. Một hướng đi đã loé sáng. Đồng cỏ đất nghèo Ngọc Linh mênh mông, tiền không có, tôi đành đi mượn trâu bò của nhà lười chăn về nuôi rẽ. Nhà ai có trâu, có bò không có điều kiện chăn dắt, tôi mượn tất.
“Ngoảnh đi ngoảnh lại, 5 năm sau tôi đã có đàn trâu bò tới 30 con. Công việc gia đình được sắp đặt lại. Ruộng nương tôi giao toàn bộ cho bà nhà và tụi con gái. Còn tôi và đứa con trai lăn xả vào chăm chút cho đàn trâu bò”- ông tâm sự.
Mười năm chóng vánh qua, đàn trâu bò của nhà ông giờ đã tới 150 con. Cần vốn để đầu tư, ông cùng đứa con ra chợ huyện "tiếp thị" và đặt mối. Ba ngày sau, một đoàn lái buôn người Thổ Tang (Vĩnh Phúc) tìm vào. Để lại 50 con làm vốn, ông bán đàn trâu bò ấy được gần 500 triệu đồng. Cắt tiền để mua xe, làm nhà, và sắm vật dụng cho gia đình hết hơn 100 triệu đồng. Số tiền còn lại gửi tiết kiệm để phòng rủi ro một nửa, nửa còn lại, ông đầu tư vào trang trại. 6ha vườn đồi trang trại khép kín tiêu tốn của ông 30 triệu đồng nữa.
Giữa lúc ông đang băn khoăn về một cách làm ăn nữa, thì một đơn vị bộ đội tăng gia gần đó do nhiệm vụ phải chuyển đi đã tìm tới ông gạ nhượng lại 6ha hồ. “Mới đầu tôi đắn đo, sau chợt nghĩ, người Kinh có câu “thả cá, rá bạc”; hơn nữa 2 hồ ấy nếu có sẽ trở thành nguồn nước tưới cho vài chục ha đất hoang chưa được khai phá bên dưới mương thoát của nó”- ông Kim giãi bày.
Nghĩ vậy, ông gật đầu. Rồi dọn lại hồ, củng cố lại đập, tháo nước vào, mua cá về thả. Hai năm sau, có khách ở huyện vào đặt mua với giá 50 triệu đồng. Ông giật mình, không ngờ 2 cái hồ cá ấy lại được trả đắt như vậy. Vậy là nước được xả, cá được bắt đem ra thị trấn bán.
Những cuộc cách mạng
Dân Ngọc Linh và các xã quanh vùng không thể quên được việc làm của ông Kim với dân ở đây vào năm 1978 khi ông cả gan đem về chiếc máy xay xát chạy bằng động cơ dầu. Ngày ấy, không chỉ riêng cái đất Hà Giang, mà cả những miền quê Bắc Bộ, máy xay xát còn là cả một cái gì đó xa vời, khó hiểu. Lúa gạo người làng ông, xã ông gặt về muốn ăn đều phải giã bằng cối tay hay cối nước.
Nhà nông lắm việc, đàn bà con gái rời nương rẫy về, hết việc là phải lăn vào giã gạo cho cả nhà vào ngày hôm sau. Chuyện xay giã đầy nhọc nhằn này đã làm nảy sinh bao thứ. Nhiều gia đình trong làng, trong xã ông đã đánh chửi nhau về chuyện này. Thậm chí có chuyện chồng đánh vợ đến chảy cả máu đầu mà nguyên do khi được hỏi chỉ là: Vợ không chịu giã gạo cho chồng và con ăn ngày hôm sau.
Bức bối, cuối tuần đó ông ra chợ. Không mua bán, không uống rượu, ông đi tìm những người Kinh có mặt ở chợ để hỏi xem dưới xuôi có loại công cụ gì để bóc hạt lúa thành gạo nhanh mà không phải giã. Mặt trời đứng bóng ông mới được một người Kinh lên Hà Giang buôn bán gật đầu nhận mua hộ cái máy ấy với giá bằng 6 con trâu thịt, tính với giá lúc bấy giờ vào khoảng 36 triệu đồng.
Mừng rỡ, ông chạy một mạch gần 20 cây số đường rừng về nhà lấy tiền bán bò giắt trên nóc nhà đem ra chợ đặt cọc. Một tháng sau, chiếc máy ấy dã được chở từ Lạng Sơn lên chợ huyện. Vì ngày ấy, đường vào chưa hanh thông, hơn chục người trong xã cùng một kíp thợ cơ khí trầy trật tháo từng bộ phận chiếc máy ra để vận chuyển vào nhà ông mất gần tuần trời.
Máy được lắp, nghe tin, người trong làng, trong xã tìm đến để chứng kiến sự thực về một chiếc máy mà đổ thóc ở đầu này, ra gạo ở đầu kia. Nhiều người đã khóc lên vì sung sướng. Có lẽ đây là mảnh đất đầu tiên của Hà Giang có máy xát từ những năm 1978 cùng sự ghi nhớ kỳ tích của người nông dân Trương Văn Kim.
“Lá lành đùm lá rách”
Ông Hoàng Văn Chiểu – nguyên cán bộ mặt trận tỉnh Hà Giang, được dân ở đây rất kính trọng, bảo với tôi thế này: Ở Hà Giang bây giờ, số người có tiền tỷ trong tay là không hiếm. Thế nhưng, chuyện có tiền tỷ như ông Kim lại là hiếm và phải nể phục. |
Đến Ngọc Linh, xoay quanh chuyện ông Kim, tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Từ chuyện lớn lao như làm trang trại, mua máy xát đến chuyện nhỏ nhặt cần giúp dân ông đều làm. Trong xã, ai ốm, ai đau ông đều có quà. Lúc thì con gà, lúc thì cân gạo nếp. Nhà nào đói, nghèo đến vay tiền ông không nề hà bày cho họ một cách đi, một cách làm.
Đơn giản như nhà anh Nông Văn Phúc chẳng hạn. Anh Phúc trước kia nghèo nhất xóm. Trong một lần đến vay tiền đã than thở với ông và được ông bảo: Mày nghèo là do mày không biết cách làm. Mày đói là do nhà mày ít đất. Đừng làm nương nữa. Làm ruộng nước như người Kinh ở dưới xuôi mới có nhiều thóc. Dưới bờ đập nhà tao còn cả mẫu đất đấy. Mày lấy trâu nhà tao xuống đấy mà vỡ đất, rồi lấy nước từ ao của tao về. Nhận lời chỉ dẫn và những hỗ trợ ban đầu của ông, anh Phúc đã lao vào vỡ ruộng. Hai năm sau, anh đã có cả 1 mẫu ruộng màu mỡ dưới phía đập nhà ông Kim. Bằng số ruộng này, từ người thiếu ăn nay anh Phúc đã trở thành người có kinh tế khá…
Thật khó kể hết chuyện về cái người tỷ phú nông dân ở xã vùng 3 này và càng khó tin hơn với mọi người nếu chưa một lần được gặp ông. Trời cuối chiều để lại trên đồi từng vạt nắng, đàn trâu bò của ông đi ăn đã lốc cốc về chuồng, nhuộm vàng một góc đồi. Tỷ phú “vùng 3” Trương Văn Kim vẫn ngồi đó, mắt ông dõi ra nơi mặt hồ mênh mông đầy cá trước mặt…