Kỳ tuyển sinh 2015 có nhiều điểm mới. Các thí sinh được ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một để giảm áp lực thi cử và tránh gây lãng phí cho xã hội. Số điểm có được từ kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển vào ĐH.
Năm nay, cộng đồng mạng không chỉ được chứng kiến những câu chuyện “dở khóc, dở cười” xung quanh phòng thi mà còn được thấy khá nhiều những hành động “lạ” của các sĩ tử trong hành trình từ khi biết điểm đến khi làm hồ sơ xét tuyển đại học.
Thí sinh đạt 27,5 điểm vẫn trượt đại học
Nếu như những năm trước, thí sinh trượt tốt nghiệp sẽ không được tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học thì năm nay với việc gộp hai kỳ thi làm một, không ít thí sinh rơi vào cảnh éo le: đỗ đại học nhưng trượt tốt nghiệp. Trong đó có trường hợp của bạn L.Đ.H (sinh năm 1997, Như Xuân, Thanh Hóa).
Hành động của nam sinh gây xôn xao cộng đồng mạng
Trong kỳ thi THPT Quốc gia, H. thi được 27,75 điểm khối C (trong đó có 3 điểm vùng – PV). Đây là số điểm khá cao, có thể giúp H. lọt vào nhiều trường đại học top cao, nhưng vì bị liệt môn Toán (0,5 điểm) mà H đã không đủ điều kiện làm hồ sơ xét tuyển vào đại học.
H. cho biết, cậu là học sinh chuyên văn, môn Toán không đến mức kém nhưng do đề thi có nhiều đổi mới nên làm bài không tốt, dẫn đến bị điểm liệt. Hụt hẫng và buồn chán, H. đã đốt tờ giấy chứng nhận kết quả thi ĐH. Hình ảnh tờ giấy chứng nhận ghi rõ số điểm 27,75 kèm theo dấu đỏ, bùng cháy trong ngọn lửa khi được chia sẻ trên Facebook đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.
Thí sinh đốt 4 tờ giấy chứng nhận ĐH
Đó là hành động được cho là lạ lùng của thí sinh Kiều Tuấn Vịnh (sinh năm 1994, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Sau khi nhận được 4 tờ giấy chứng nhận kết quả thi đại học, Vịnh tự tay đốt rồi chụp ảnh đăng Facebook, khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Nam sinh đôt 4 giấy chứng nhận kết quả thi đại học
Vịnh cho hay, hành động đốt giấy chứng nhận đại học không phải do buồn chán hay hụt hẫng mà do bản thân đã tìm được hướng đi khác trong tương lai và nó không liên quan gì đến những tờ giấy đó.
Kiều Tuấn Vịnh đã xác định được hướng đi trong tương lai
Vịnh từng tham dự 4 kỳ thi đại học nhưng đều không đỗ. Năm nay, Vịnh dự thi vào trường Học viện Biên phòng và đạt số điểm 19,25. Số điểm trung bình cùng với cách thức tuyển sinh khá phức tạp của năm nay phần nào thôi thúc Vịnh từ bỏ cánh cổng trường đại học, tìm ra hướng đi khác.
Thí sinh đạt gần 27 điểm từ chối xét tuyển đại học
Trong khi bạn bè đồng trang lứa đang sốt sắng làm hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học theo nguyên vọng thì Phan Văn Huy (Hà Tĩnh) lại không nộp hồ sơ vào trường đại học nào, dù số điểm Huy đạt được trong kỳ thi vừa qua là gần 27 điểm.
Phan Văn Huy khi nhỏ
Dự thi khối B, Huy đạt được 10 điểm môn Hóa, 8,25 điểm môn Toán và 8,5 điểm môn Sinh. Với số điểm 26,75, Huy có rất nhiều cơ hội lọt vào các trường đại học top đầu nhưng cậu đã không tham dự kỳ xét tuyển. Quyết định lạ lùng của Huy khiến không ít người bất ngờ. Khi được hỏi lý do, Huy chia sẻ ngắn gọn, cậu đã chọn được con đường đi của riêng mình.
Được biết, Huy là một trong những học sinh xuất sắc của trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, từng giành nhiều giải cao trong các kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia.
Thí sinh đạt 24,5 điểm nộp hồ sơ vào trường nghề
Từ nhiều năm nay, với hầu hết các thí sinh, trường nghề chỉ là sự lựa chọn cuối cùng khi không đủ điểm vào CĐ, ĐH. Tuy nhiên, Trần Ngọc Nam (trường THPT Vũ Quang, Hà Tĩnh) lại có suy nghĩ và hướng đi hoàn toàn khác. Dù đạt 24,5 điểm (tính cả 1,5 điểm vùng – PV)- một số điểm khá cao nhưng Quang vẫn nộp hồ sơ vào trường CĐ nghề Việt Đức.
Trần Ngọc Nam (thứ 3 từ trái sang) trong lớp học của trường CĐ nghề Việt Đức
Quyết định của Quang được cho là “ngược dòng”, “ngược đường” với hầu hết các thí sinh. Chia sẻ về lý do chọn trường nghề, Quang cho biết, lựa chọn này đã được Nam và gia đình bàn bạc kỹ lưỡng từ khi học lớp 12. Nam muốn học cho mình một cái nghề để sau khi ra trường nếu không thể xin vào làm ở nhà máy, xí nghiệp thì có thể tự mở cửa hàng sửa chữa riêng.