Những kết quả bước đầu
Ngày 12.12.2013, Bộ Chính trị ra Quyết định số 217/QĐ-TW về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể chính trị-xã hội. Thực hiện Quyết định 217, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn số 637 về thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội trong hệ thống Hội NDVN; phối hợp Ủy ban T.Ư MTTQVN, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương ký chương trình phối hợp (CTPH) giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp (VTNN) giai đoạn 2014-2020; thành lập Ban chỉ đạo CTPH để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội ND địa phương triển khai thực hiện.
Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường (phải) và đoàn giám sát T.Ư nắm tình hình sử dụng vật tư nông nghiệp, cây giống tại hộ nông dân xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Đ.T
Sau 1 năm thực hiện, Ban chỉ đạo CTPH ở T.Ư đã cơ bản hoàn thành việc biên soạn tài liệu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thực hiện giám sát; 53/63 Hội ND tỉnh, thành phố đã ký CTPH với Ủy ban MTTQ, Sở NNPTNT, Sở Công Thương để phối hợp giám sát việc thực thi pháp luật về VTNN trên địa bàn. Nhiều địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Nhiều tỉnh, thành đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, ND; tổ chức đoàn giám sát tại một số địa bàn.
Các đoàn giám sát liên ngành do lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQVN, T.Ư Hội NDVN, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đã bước đầu triển khai giám sát việc thực thi pháp luật về VTNN tại một số địa phương trong tháng 8.2015. Cùng với sự vào cuộc của báo, đài ở T.Ư và địa phương, chương trình giám sát về VTNN bước đầu đã tạo dư luận, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và ND, tạo tiền đề, thuận lợi cho những năm tiếp theo.
Nhiều nơi triển khai lúng túng
Cũng sau 1 năm thực hiện quy chế và CTPH đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít tỉnh, thành Hội ND còn lúng túng trong việc cụ thể hóa nội dung quy chế của Đảng, hướng dẫn của T.Ư Hội NDVN và CTPH. Một số địa phương đã ký CTPH nhưng chưa xây dựng được kế hoạch triển khai do thiếu kinh phí thực hiện. Có địa phương tích cực, chủ động thực hiện giám sát nhưng hiệu quả chưa rõ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về bản chất hoạt động giám sát xã hội của Hội ND theo quy chế còn khá phổ biến ở cán bộ hội các cấp; còn nhầm lẫn giữa giám sát xã hội với hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát mang tính quyền lực nhà nước như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân...
Giám sát và phản biện xã hội theo quy chế là hoạt động còn khá mới mẻ, trong khi chúng ta chưa được nghiên cứu kỹ về lý luận và chưa có kinh nghiệm trong thực tiễn. Việc thực hiện yêu cầu phải cụ thể, khách quan, chính xác và đúng quy chế của Đảng, đúng quy định của pháp luật, đúng với chức năng, nhiệm vụ của Hội NDVN. Sau giám sát, phản biện xã hội phải có báo cáo, nhận xét, đánh giá và đưa ra được những kiến nghị cụ thể. Làm được điều này đòi hỏi cán bộ Hội ND phải có trình độ, hiểu biết nhất định về nội dung giám sát và phản biện xã hội. Đây là những đặc điểm khác với các hoạt động thường xuyên của Hội ND từ trước đến nay là mang tính chung chung và phong trào.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Giám sát và phản biện xã hội nói chung và giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực VTNN là vấn đề khó và nhạy cảm. Đã có quy chế do Bộ Chính trị ban hành, nhưng còn nhiều nội dung chưa được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật. Do vậy, trong thực hiện Hội ND các cấp cần chuẩn bị kỹ, lựa chọn nội dung đã rõ, được thống nhất cao, đúng pháp luật và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng của Hội để làm từng bước, mở rộng dần, vừa làm vừa nghiên cứu, tổng kết và rút kinh nghiệm.
Hoạt động giám sát của Hội ND được thực hiện chủ yếu thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, ND thực hiện quyền giám sát của công dân theo quy định của Hiến pháp và quy chế của Đảng. Hội ND các cấp cần kịp thời tiếp thu, tổng hợp ý kiến phản ánh của cán bộ, hội viên, ND về tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN. Những ý kiến đó nếu đủ cơ sở, căn cứ thì kiến nghị với tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm chủ trương, chính sách, pháp luật.
Với cách làm như vậy, các cấp Hội ND lựa chọn những nội dung giám sát cụ thể, phù hợp với thực tế và khả năng của Hội để từ đó tham mưu với cấp ủy chỉ đạo thực hiện.
Trong giám sát việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực VTNN, Hội ND các cấp cần thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp và xử lý vi phạm. Hội ND các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham gia CTPH và các doanh nghiệp sản xuất VTNN uy tín để huy động nguồn lực tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, ND; các quy định của pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN... |