Dân Việt

Lo ngại ngân hàng độc quyền, độc lợi

23/06/2011 06:00 GMT+7
(Dân Việt) - Dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng miếng sẽ phải hoàn tất khâu lấy ý kiến các bên và trình Chính phủ trong tháng Sáu song xung quanh dự thảo nghị định vừa công bố còn rất nhiều ý kiến trái chiều.

Cho phép người dân mua bán vàng

Theo dự thảo, người dân sẽ được mua vàng để cất giữ nhưng không được sử dụng vàng để thanh toán như hiện nay. Đây là một điểm được cho là nới lỏng khi trước đây thậm chí còn có ý tưởng cấm người dân chỉ được bán mà không được mua. Đồng thời đối tượng được phép kinh doanh vàng cũng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất thu hẹp theo tinh thần kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động cần hạn chế kinh doanh.

img
Theo dự thảo mới, người dân được quyền mua vàng miếng để cất giữ.

Doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng phải được NHNN cấp giấy phép theo các điều kiện nhất định. Sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp và được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Cũng theo dự thảo, sẽ có nhiều doanh nghiệp được NHNN “tin tưởng” cấp phép, tuy nhiên số lượng và trình tự sẽ do NHNN chủ động.

Còn nhiều băn khoăn!

Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, hiện nay vàng đang thực hiện chức năng là đồng tiền, dùng để mua bán, trao đổi, cất giữ, tích trữ... gây rối loạn thị trường tiền tệ. Với việc soạn thảo quy định mới, Nhà nước vẫn bảo toàn quyền kinh doanh vàng, chỉ hạn chế bớt tính “tác oai tác quái” của vàng bằng cách nâng giá trị VNĐ.

Theo ông Trương Đình Tuyển, khi chưa nghiên cứu kỹ cơ chế quản lý thị trường một cách hợp lý mà đã đề ra mục tiêu xoá bỏ kinh doanh tự do thì sẽ gây trở ngại và phức tạp hơn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Dân Việt, nhiều người lo ngại rằng, một khi sử dụng vàng không là phương tiện thanh toán, vậy giá trị thanh khoản của vàng được định vị thế nào.

Ông Nguyễn Định - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Việt Nam cho rằng: “Quy định như dự thảo trái với nghịch lý thị trường. Trao đổi tiền tệ là hoạt động không ai có thể cấm. NHNN đang muốn sử dụng biện pháp hành chính để quản lý vàng, song không phải biện pháp nào cũng đúng”.

Ông Định cũng cho rằng, việc đổi vàng ở một số cơ sở nhất định do NHNN quy định để lấy tiền đồng, sử dụng trong lưư thông sẽ làm tăng tính tự do của VNĐ, đồng nghĩa tăng lạm phát. “Nhà nước bỏ tiền đồng mua 2 tỷ USD để hỗ trợ cho các tổng công ty, tập đoàn. Tiền đồng được lưu thông nhiều không có nghĩa là chống được đô la hóa, chống được vàng hóa, và càng không có nghĩa là làm giảm lạm phát”.

Theo một khảo sát mà Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa thực hiện với quy mô nhỏ trên địa bàn Hà Nội: 31,33% số gia đình được điều tra có đầu tư, tích lũy bằng vàng; trong đó 28,23% số gia đình giữ vàng tại nhà. 92% số hộ giải thích nguyên nhân tích trữ vàng do thói quen và tâm lý chống lạm phát.

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Thương mại nhận định: Khó để có thể xoá bỏ kinh doanh vàng vì nhu cầu đầu tư của dân là có thật. “Một khi có nhu cầu thật thì người ta sẽ tìm phương thức để thoả mãn. Đó là quy luật”.

Ông Vũ Mạnh Hải - chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng, cho rằng: NHNN cần phải quan tâm đến việc quản lý thị trường vàng ở khía cạnh xuất nhập khẩu hơn là quá coi trọng việc quản lý lưu thông vàng của người dân. Phải lấy “quan điểm”, nhu cầu của người dân làm gốc. Càng tăng quyền lực cho các NHTM, như trong dự thảo lần này, thì càng tạo điều kiện để “ngân hàng thương mại độc quyền, độc lợi”.