Dân Việt

Vụ lúa chiêm và chuyện “đất tổ” của… lúa chiêm

23/06/2011 09:47 GMT+7
Dân Việt - Hàng năm ở đồng bằng Bắc bộ, có hai vụ lúa cổ truyền là vụ mùa và vụ chiêm. Từ khi đưa vào cơ cấu gieo trồng các giống lúa xuân (xuân sớm, chính vụ và xuân muộn) thì vụ chiêm có thêm tên gọi là vụ chiêm xuân.
img

Vụ lúa chiêm thường được gieo cấy vào cuối năm âm lịch và thu hoạch vào hè năm sau. Đầu vụ thường gặp rét, từ giữa vụ nóng dần lên và có mưa rào. Lúa chiêm kỳ làm đòng rất cần các yếu tố dưỡng chất thiên nhiên, trong đó có chất được tạo nên nhờ tác nhân sấm chớp cơn giông. Vì thế, dân gian có câu:

“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên!”

Ngày xưa, Bắc bộ chỉ có giống lúa cần nhiều nước nên hàng năm gieo cấy mỗi một vụ lúa vào mùa mưa nhiều (hè thu), gọi là vụ mùa. Vụ chiêm xuất hiện khi có giống lúa xuất xứ từ đất Chiêm Thành quen chịu khí hậu khô của Trung bộ, được đưa ra Bắc gieo cấy vào mùa ít mưa (đông xuân) rất thích hợp. Thành ngữ “Chiêm Nam mùa Bắc” ý là vậy.

>> Cánh đồng ven làng vàng óng ả mùa lúa chín

“Đất tổ” của lúa chiêm - Chiêm Thành hay còn gọi Chăm Pa, là miền đất chạy dài từ nam đèo Ngang (Quảng Bình) đến Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là một “cựu vương quốc” tồn tại từ thế kỷ 2 đến đầu thế kỷ 19, chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Ðộ giáo, Phật giáo và văn hóa Hồi giáo…

Tổ tiên người Chiêm đã có một nền văn hóa phát triển rực rỡ là văn hóa Sa Huỳnh. Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10 là thời hoàng kim của vương quốc Chiêm Thành, thời kỳ mà văn hóa Chăm nở rộ, phong phú nhất.

Chính thời kỳ này đã hình thành nên Thánh địa Mỹ Sơn - một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là một di sản văn hóa thế giới của Việt Nam hôm nay.