Dân Việt

Chạnh lòng nhớ máy hát đĩa năm xưa

CÚC TẦN 05/09/2015 15:09 GMT+7
Quê xưa giờ có đổi khác, nhà cửa, đường sá khang trang hơn, nhưng tôi vẫn cảm giác đâu đó những hình ảnh thân quen xưa còn lẩn khuất đâu đó. Nhất là khi đứng bên này chiếc cầu sắt, nơi tiếp giáp con đường chạy cặp mé sông.

img

Máy hát đĩa xưa giờ trở thành món đồ cổ quý hiếm. (Ảnh: Cúc Tần)

Ở ngã ba này có ngôi nhà lầu kiên cố, có lẽ đẹp nhất nhì xứ này, nay vẫn còn đó. Nó vẫn như xưa, với một bờ tường chạy cặp theo con lộ bờ sông. Dài theo bờ tường ấy là nền gạch tàu láng bóng, khiến lòng tôi bồi hồi thổn thức nhớ một thời niên thiếu.

Thuở đó, những buổi sáng Chủ nhật hoặc những sáng nghỉ lễ, bọn trẻ chúng tôi vài ba đứa thường tụ tập ngồi bệt dựa lưng vào bức tường này. Trên tay mỗi đứa một gói xôi, cái bánh cam, củ khoai lang luộc, vừa nhẩn nha nhai vừa lắng nghe tiếng hát máy từ trong căn nhà lầu này vẳng ra. Tiếng ca, giọng hát, qua bức tường sao mà xao xuyến tâm tư tuổi nhỏ chúng tôi đến vậy. Và, chúng tôi ngồi nghe hết đĩa hát này tới đĩa hát nọ một cách say sưa, chẳng biết cái máy hát diệu kỳ kia hình thù ra sao, chỉ nghe người ta diễn tả khái quát mà thôi.

Vài năm sau, máy hát đĩa được một người khá giả trong phố mua về. Cái máy hát quý giá ấy đã được chủ nhà rộng rãi phục vụ bà con khu phố miễn phí, bọn trẻ chúng tôi tha hồ ngồi ngóng cổ say sưa thưởng thức tiếng đàn điệu hát. Những vở cải lương “Tôn Tẫn – Bàng Quyên”, “Thạch Sanh – Lý Thông”, “Trăng nước Lam Sơn”, “Chén cơm chan máu”… luôn làm chúng tôi cảm hoài sâu sắc. Điều đáng chú ý là chúng tôi tranh cãi không có lời đáp rằng cái hộp nhỏ ấy chứa đào kép và nhạc công ở chỗ nào?!...

Bây giờ chiếc máy hát đã trở thành món đồ cổ quý, hiếm khi thấy được. Trở về quê cũ, căn nhà lầu ấy không còn tiếng hát máy nữa, thay vào đó là tiếng hát, điệu đờn phát ra từ chiếc tivi LED hiện đại. Và, không có đứa trẻ nào mê mẩn ngồi dựa bờ tường nghe như chúng tôi thuở ấy.