Theo Đại Nam Nhất Thống Chí: “Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn thành Bình Định, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vây thành. Hơn một năm, hai ông bám thành cố giữ. Sau đó bí mật dâng sớ khuyên vua đánh lấy Phú Xuân. Vua y theo. Bây giờ trong thành hết lương, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc chết, Võ Tánh tự thiêu ở Lầu Bát Giác. Sau khi lấy lại Phú Xuân, đem quân quay lại cứu Bình Định thì hai ông đã tử tiết rồi. Năm Gia Long thứ nhất (1802) vua sai dựng đền ở trước lầu Bát Giác để thờ, đến năm Tự Đức thứ 4 (1850) đổi tên là đền Chiêu Trung. Phía sau đền có mộ Võ Tánh và người Đội trưởng chết theo”.
Câu chuyện trung nghĩa làm cảm động lòng người này diễn ra trong bối cảnh khi ấy thành hết lương thảo, Võ Công bảo Ngô Công rằng: “Tình thế bức xúc nhỉ? Người trong thành có tội gì? Chết với thành là trách nhiệm của tướng soái… Ông là quan văn. Hãy chịu khuất mà tự toàn để đợi mệnh về sau. Ngô Công đáp: Thành còn thì tôi với thành đều còn. Thành mất thì tôi với thành cùng mất. Quan văn quan võ đều là bề tôi của vua. Tôi nỡ nào tìm cách tự toàn. Tùng Châu về dinh uống thuốc độc mà chết. Nghe tin Ngô Công đã chết, Võ Tánh đến viếng, xong quay về lầu Bát giác tự thiêu. Thống binh Nguyễn Tấn Huyên cũng gieo mình vào trong lửa chết theo.
Nay đến Thành Hoàng Đế, đền Chiêu Trung chỉ còn nền, Lầu Bát Giác che mưa nắng cho bia Song Trung ghi công Quốc công Võ Tánh và Quận công Ngô Tùng Châu, phía sau là mộ của Quốc Công và thống binh. Cử nhân Trần Đình Tân một lần đến đền có thơ “Đơn tâm thắng tự nhiên biên nguyệt. Vạn cổ lưu quang chiếu cổ thành” (Lòng son hai tấm hơn vầng nguyệt. Muôn thuở còn sói bóng cổ thành).
Một góc Thành Hoàng Đế với đền Chiêu Trung.
Nền đền Chiêu Trung.
Khu vực mộ Võ Tánh và thống binh.
Mộ Võ Tánh.
Mộ của thống binh Nguyễn Thống Huyên bên mộ của chủ tướng.
Lầu Bát giác với bia “Cung kỷ song trung sự tính”.
“Lòng son hai tấm hơn vầng nguyệt. Muôn thuở còn soi bóng cổ thành”.