Dân Việt

Khẩn trương sửa quy chuẩn sữa dạng lỏng

Ngọc Lê 31/08/2015 07:40 GMT+7
Ủy ban Khoa học Công nghệ- Môi trường (KHCN-MT) của Quốc hội vừa có đề nghị Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi quy chuẩn về sữa dạng lỏng theo đúng tiêu chuẩn Codex. Trước đó, Báo NTNN đã có loạt bài đề cập đến vấn đề này.

61,3% sữa dạng lỏng là sữa bột pha lại

Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho thấy, số lượng bò sữa và sản lượng sữa trong nước đã không ngừng tăng, từ 142.700 con (năm 2011) đã tăng lên 227.600 con vào năm 2014. Sản lượng nguyên liệu sữa tươi cũng tăng từ 345.000 tấn lên 547.200 tấn. Hiện cả nước có trên 17.800 hộ chăn nuôi bò sữa với số lượng chiếm 70% tổng đàn bò cả nước, các hộ chủ yếu chăn nuôi với quy mô dưới 10 con/hộ.

img

Sản xuất sữa tươi tại Công ty Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La) Ảnh: L.H.T

Báo cáo của Ủy ban KHCN-MT Quốc hội nêu rõ, trong thời gian qua ở một số địa phương có tình trạng người chăn nuôi bị ép giá thu mua sữa nguyên liệu hoặc phải đổ bỏ sữa do doanh nghiệp hạn chế mua. Nguyên nhân chủ yếu là do sữa tươi nguyên liệu không đảm bảo chất lượng hoặc do giá sữa tươi nguyên liệu trong nước còn cao, trong khi đó nếu dùng sữa bột nhập khẩu để pha lại, giá thành sản xuất sữa dạng lỏng chỉ khoảng 6.000-7.000 đồng/lít. Đây cũng chính là lý do dẫn tới việc các doanh nghiệp giảm thu mua sữa nguyên liệu, để sử dụng sữa bột nhập khẩu nhằm giảm chi phí sản xuất.

Có thể thấy, đây là một nghịch lý trong ngành sản xuất sữa nước ta, khi lượng sữa tươi trong nước mới thực sự đáp ứng được 38,7% nhu cầu. Như vậy, có đến 61,3% sữa dạng lỏng thực chất là sữa bột pha lại mà người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn là sữa tươi.

Tách khái niệm sữa theo tiêu chuẩn Codex

Ủy ban KHCN-MT Quốc hội cũng chỉ ra một số bất cập trong quản lý sữa tươi và sữa nguyên liệu hiện nay khi có tới 70% số hộ vẫn chăn nuôi theo mô hình nhỏ lẻ. Đặc biệt, như năm 2014, sản lượng sữa dạng lỏng cả nước đạt 947 triệu lít, nhưng lượng sữa tươi nguyên liệu mới đạt 549,5 triệu lít, trong đó sữa tươi dùng cho sản xuất sữa dạng lỏng chỉ đạt 367,6 triệu lít. Chính vì vậy, hàng năm nước ta phải bỏ ra tới gần 1,1 tỷ USD để nhập sữa bột, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước.

Báo cáo cho rằng, khái niệm “sữa tiệt trùng” hiện tại không thể hiện được có sữa tươi hay không; tỷ lệ sữa tươi là bao nhiêu %. Ủy ban khẳng định, quy định hiện nay không phù hợp với thực tiễn sản xuất sữa và thông lệ quốc tế. “Theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, đối với sữa dạng lỏng (Codex 206-1999) thì họ không sử dụng khái niệm “sữa tiệt trùng” mà sử dụng hai khái niệm, gồm “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” - báo cáo nêu rõ.

Ủy ban này cũng khẳng định, việc sử dụng tên gọi “sữa tiệt trùng” gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất sữa dạng lỏng từ sữa tươi vì giá nguyên liệu sữa tươi cao hơn sữa bột; phải tốn chi phí quảng cáo.

Từ đó, Ủy ban KHCN-MT đề nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật về sữa dạng lỏng (QCVN: 5-1:2010/BYT) làm công cụ kỹ thuật để quản lý sản phẩm chế biến sữa dạng lỏng, phù hợp với thực tiễn sản xuất trong nước, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nghiên cứu, điều chỉnh khái niệm “sữa tiệt trùng”, nên tách thành hai khái niệm: “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” như tiêu chuẩn Codex 206-1999. Ngoài ra, Ủy ban đề nghị Bộ Y tế sửa đổi quy định, ghi rõ định lượng của các thành phần trong sữa dạng lỏng. 

  Theo kiến nghị của Ủy ban KHCN-MT Quốc hội, để phát triển ngành sữa Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ quỹ đất, hạ tầng, cho vay ưu đãi, đặc thù đối với chăn nuôi bò sữa; có chính sách thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến sữa; đặc biệt nghiên cứu thành lập cơ quan quốc gia về sữa để điều tiết các khâu trong quản lý sữa…