Dân Việt

9X liều mình đưa thanh long ruột đỏ về vùng biên giới

Thắng Quang (Trang Trại Việt) 14/09/2015 17:30 GMT+7
Thời gian gần đây, trang trại kinh tế tổng hợp của Nguyễn Tiến Dũng (SN 1991, ở thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang nổi lên như mô hình mẫu để các đoàn viên, thanh niên trong vùng học hỏi, làm kinh tế ở vùng đất được cho là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Bằng cách làm có chút “liều”. Dũng đã thành công trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên vùng đất giáp biên giới Việt- Lào với doanh thu ban đầu đã đạt 1 tỷ đồng.

img

 Học hành dang dở

Con đường thành công bước đầu của Dũng cũng rất tình cờ và cũng không phải “trải bước trên hoa hồng”. Chàng trai 9X này có một thời kỳ như anh nói là đâm vào ngõ cụt, tưởng không còn lối thoát. Khi tôi liên hệ viết bài này thì biết, Dũng vừa được giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Mới gặp tôi, Dũng khiếm tốn từ chối: “Em mới khởi đầu thôi anh, có chi mô mà viết ạ”. Thuyết phục mãi, Dũng mới kể về cuộc đời của mình, cũng như quyết định trồng cây thanh long ruột đỏ.

Dũng sinh ra trong một gia đình thuần nông, luôn mong muốn học hành đỗ đạt, tìm công ăn việc làm ổn định, thoát nghèo. Năm 2009, Dũng tốt nghiệp THPT và quyết tâm thi vào đại học nhưng không đỗ. Sau một năm quyết tâm ôn luyện, Dũng thi tiếp vào Trường Đại học Khoa học Huế với niềm tin cuộc đời tôi sẽ khá hơn. Nhưng sau 2 năm theo học, Dũng nhận thấy đại học không phải là con đường duy nhất giúp Dũng làm giàu. Hơn nữa, thấy hoàn cảnh bố mẹ vất vả bán từng con lợn, mớ rau để gửi tiền nuôi Dũng ăn học. Dũng quyết định chia tay cổng trường đại học và dấn thân vào kinh doanh.

“Sau khi quyết định nghỉ học đại học, tôi ở lại Huế, chuyển hướng qua kinh doanh với số vốn 300 triệu đồng từ vay ngân hàng và người thân. Tôi kinh doanh nhiều thứ từ buôn gỗ, cho đến kinh doanh, bán hàng đa cấp. Sau 1 năm kinh doanh do chưa có kinh nghiệm cùng với sự nóng vội tôi thua lỗ hết số vốn 300 triệu đồng. Tôi phá sản và hoàn toàn bế tắc trong một thời gian dài ở nơi đất khách quê người. Với số nợ nần ngân hàng tôi còn không dám về quê nữa. Nhưng với sự động viên của bố mẹ, người thân, bạn bè, tôi quyết định về quê làm lại từ đầu” – Dũng chia sẻ.

Bén duyên với cây thanh long ruột đỏ

Học hành dang dở, kinh doanh thua lỗ, rơi vào cảnh “tiền khô cháy túi”, Dũng về quê suy nghĩ nhiều đêm liền, để tìm cách thoát nghèo, trả nợ nần trên chính mảnh đất quê hương mình.

Thế rồi, trong một lần tình cờ, Dũng đã bén duyên với cây thanh long ruột đỏ. “Một hôm vô tình, tôi xem TV có chương trình “Sinh ra từ làng”. Nhân vật của chương trình đó đã làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ một loài cây mà tôi chưa bao giờ nghe tới. Niềm yêu thích trang trại và cây cối trong tôi trỗi dậy. Tôi quyết tâm tìm hiểu về loài cây này và quyết tâm phát triển nó. Nhưng khó khăn chồng chất khi tôi không còn tiền và cũng không thể vay mượn ai, nên đành bán chiếc xe máy, là tài sản duy nhất lúc đó lấy 25 triệu đồng làm tiền mua cây giống”- Dũng nói.

img

Nguyễn Tiến Dũng bên vườn cây thanh long ruột đỏ, đang cho thu hoạch.

Sau khi có giống Dũng đầu đi phụ hồ xây dựng. Số tiền tôi kiếm được một phần dùng để đổ trụ trồng thanh long phần còn lại dùng để trả nợ và trả lãi ngân hàng. Trong suốt 1 năm đó, ngày đi phụ xây, buổi tối đổ trụ trồng cây, Dũng đã trồng được 200 trụ thanh long ruột đỏ đầu tiên và đến giữa năm 2014, 200 trụ thanh long của Dũng đã cho quả, với sản lượng khoảng 1 tấn, bán thu về khoảng 30 triệu đồng. Có vốn để “bóc ngắn, cắn dài”, đến nay, Dũng đã trồng thêm được 600 trụ thanh long ruột đỏ nữa, cho thu hoạch 4 tấn/năm (thu về khoảng 200 triệu đồng). Theo Dũng, khó nhất khi trồng cây thanh long ruột đỏ ở vùng đất này là gió Lào vào mùa hè sẽ làm cho cây dễ bị gãy. Hiện Dũng cũng đang nhân giống loại cây này để bán cho những người dân khác. Có người đặt cho Dũng 2.000 gốc với giá 10.000 đồng/ gốc.

Ông Nguyễn Văn Hòa (bố Dũng) tâm sự: “Thấy con bỏ học đại học cũng lo, sau khi vay ngân hàng cho nó kinh doanh mất hết, cả nhà phải còng lưng trả nợ. Nó có ý chí làm lại là chúng tôi mừng lắm rồi. Đất đai chúng tôi có sẵn, nó thích trồng cây thanh long chúng tôi ủng hộ. Bước đầu đạt được thế là phấn khởi rồi. Vụ thanh long nào cho quả chín, các đại lý hoa qua đặt mua hết, không có mà bán”.

Trang trại tổng hợp

Ngoài cây thanh long ruột đỏ, Dũng còn nghiên cứu và khảo nghiệm các giống cây ăn quả khác như đu đủ Đài Loan, táo Thái Lan, chanh leo Đà Lạt… và nhận thấy cây đu đủ là cây rất nhanh cho thu hoạch, hợp với vùng đất địa phương. Dũng trồng thêm 500 gốc đu đủ Đài Loan vào đầu năm 2015.

Trang trại tổng hợp của Dũng còn có các mô hình khác như: Nuôi bò sinh sản 10 con thu nhập khoảng 50 triệu/năm; nuôi dê sinh sản 15 con thu nhập 30 triệu/năm. Nuôi gà 500 con, thu nhập khoảng 50 triệu/năm. Thu nhập từ các loại cây ngắn ngày như rau, đậu, lạc, nghệ, gừng bầu, bí khoảng 50 triệu/năm. Bên cạnh đó, Dũng tạo côn ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 200 nghìn/ngày. Tổng thu nhập từ trang trại, theo Dũng nhẩm tính gần được 1 tỷ đồng/ năm trừ chi phí 700 triệu đồng, còn lại thu về được khoảng 300 triệu đồng

Nói về tương lai, Dũng khiêm tốn nói: “Giờ tôi đã trả nợ ngân hàng hết rồi. Thu nhập trang trại cũng khá, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân giống và mở rộng mô hình trang trại của mình, tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương”.

Tấm gương cho các bạn trẻ học hỏi

Ông Cao Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: “Nguyễn Tiến Dũng là tấm gương cho các bạn trẻ học tập. Thời điểm tôi làm Bí thư Đoàn xã Sơn Tây, tôi luôn động viên Dũng. Thấy được ước mơ vượt khó trên mảnh đất quê hương, tôi và một số đồng chí đoàn viên hỗ trợ Dũng về vật chất và tinh thần, góp phần giúp ước mơ hoài bão của Dũng đạt kết quả tốt nhất. Khi nhìn thấy trang trại của Dũng đã cho thu hoạch chúng tôi rất vui. Hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ trên mảnh đất nghèo Hương Sơn dám nghĩ, dám làm như Dũng giúp cho quê hương phát triển hơn”.