Ghé thăm vườn kiểng lá của ông Nguyễn Văn Bảy (53 tuổi, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước quy mô khu nhà kính 4.000m2 với hệ thống tưới phun sương tự động.
Ông Bảy tâm sự, hơn 15 năm trước ông làm công nhân cho một công ty chuyên về hoa lan trên địa bàn. Quanh năm “bán mặt cho đất” trồng lan, công việc nặng công thêm nhiều áp lực công việc, khiến ông quyết định tìm hướng đi mới.
Ông Bảy suy nghĩ không thể làm công nhân mãi như thế này được, trong khi mình cũng có nhiều kinh nghiệm trong nông nghiệp. Ông muốn làm chủ những thành quả do mình làm ra.
Từ kinh nghiệm 15 năm gắn bó với nghề trồng hoa lan, ông Bảy nhận ra rằng, bất kể một bó hay lẵng hoa dù lớn hay nhỏ đều cần phải dùng đến các loại lá để trang trí. Đặc biệt, trong nghệ thuật trang trí hoa tươi, thì các loại lá chính là phụ liệu để làm nền tô điểm cho sắc hoa trở thành đẹp và nổi bật hơn.
Cũng vì thế mà nhu cầu tiêu thụ các loại lá kiểng trên thị trường đang ngày một lớn dần theo thời gian. Trong khi đó, nguồn cung ứng các loại lá này hiện còn khan hiếm.
Nắm bắt được nhu cầu này cộng với sự quyết tâm, đầu năm 2014, ông Bảy đã mạnh dạn chuyển 4.000 m2 đất trồng cà phê của gia đình sang xây dựng mô hình trồng kiểng lá. Mô hình này, được thiết kế bằng nhà kính công nghệ cao. Ngoài ra, còn đầu tư xây dựng bể chứa nước và hệ thống tưới nước phun sương tự động để phục vụ sản xuất.
Vườn kiểng lá công nghệ cao của gia đình ông Bảy.
Thế nhưng chi phí để đầu tư bước đầu khá cao, với mức lương của một công nhân tích góp bao năm thì không đủ. Với sự quyết tâm và ý chí làm giàu từ đất, ông Bảy đã vay mượn từ người thân, họ hàng, vay lãi ngân hàng cộng thêm số vốn của gia đình để đầu tư nhà kính trồng kiểng lá.
Nói về việc đầu tư xây dựng mô hình, ông Bảy cho biết: “Sau một thời gian quan sát, tìm hiểu tôi thấy môi trường trong nhà kính là lý tưởng để phòng ngừa các loại sâu bệnh gây hại cây trồng, nhất là kiểng lá.
Đặc biệt, cái hay của nhà kính là khả năng điều tiết nhiệt độ và độ ẩm cả trong mùa nắng lẫn mùa mưa nhằm tạo môi trường cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt nhất”.
Công nhân xếp sản phẩm để giao cho các đầu mối.
Nhà kính trồng kiểng lá được ông Bảy thiết kế theo dạng mái đổ và kết hợp với bể chứa nước hơn 500 m3 nên các loại kiểng lá trong vườn luôn được đảm bảo nguồn nước tưới sạch nhất. Riêng hệ thống tưới phun sương tự động sẽ cung cấp lượng nước đồng đều để giúp cây dưỡng và nuôi lá xanh tốt.
Hiện, các loại kiểng lá mà đặc biệt là cây dương xỉ được ông Bảy trồng trong nhà kính với chế độ chăm sóc theo quy trình kỹ thuật cao, nên màu lá tươi, lá mềm mại, dễ uốn và có độ bền lâu.
Trong tổng diện tích 4.000 m2, ông Bảy dành hơn 1/2 diện tích để trồng cây dương xỉ. Dương xỉ ông đang trồng có nhiều loại giống là dương xỉ Pháp, dương xỉ mềm và dương xỉ rồng… Các giống dương xỉ được ông nhập về từ Nhật Bản và Hà Lan.
Dương xỉ là loại cây chủ đạo trong vườn kiểng lá của ông Bảy.
Sở dĩ, dương xỉ là loại được ông chú trọng đầu tư, vì lá cây này được thị trường tiêu thụ nhiều và có giá bán cao. Hiện, trung bình 1 bó lá dương xỉ (100 lá/ bó) được ông bán với giá từ 100 - 250 ngàn đồng, mỗi tuần ông cắt 4 lần và khoảng hơn 100 bó/ lần cắt.
Hầu hết tất cả giống kiểng lá mà ông Bảy đang trồng như dương xỉ, trúc đốm, thiên môn hay chanh Hà Lan… thì từ lúc xống giống đến lúc thu hoạch phải mất từ 8 - 12 tháng. Thời gian cắt lá theo các đợt cách nhau từ 10 - 15 ngày. Trung bình, tất cả các giống kiểng lá này đều có tuổi thọ từ 7 - 10 năm.
Tuy mới đầu tư mô hình này được hơn 1 năm, nhưng đến nay, nhiều giống kiểng lá của ông Bảy đã cho thu hoạch với đầu ra ổn định và lợi nhuận tương đối cao. Theo nhẩm tính sơ sơ của ông Bảy, trừ hết chi phí một năm gia đình thu lãi về cũng được khoảng 1 tỷ đồng.
Kiểng lá trúc đốm là loại đang được ưa chuộng trên thị trường.
Được biết, kiểng lá chủ yếu được trồng nhiều tại các tỉnh Miền Tây như Đồng Tháp, Bến Tre và TP Cần Thơ. Còn ở Lâm Đồng, mô hình trồng kiểng lá còn ít và chưa đa dạng. Đến thời điểm này, gia đình ông Bảy đã ký hợp đồng thu mua các loại lá kiểng với hơn 10 đầu mối tại Đà Lạt, Huế, TPHCM và Hà Nội.
Để cung ứng nguồn lá đủ cho các mối, ngoài sản phẩm của gia đình, ông Bảy còn phải thu mua thêm ở các vườn tại huyện Lâm Hà, Đơn Dương và Bảo Lâm (Lâm Đồng). Đến các dịp lễ, tết thì nguồn lá kiểng mà gia đình ông cung ứng cho các mối cũng chỉ đạt từ 75 - 80% nhu cầu.
Ngoài việc trồng các loại kiểng lá, ông Bảy còn đầu tư trồng các giống hoa treo để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện, các giống hoa treo mà ông đang chú trọng đầu tư là dạ yên thảo, lan vũ nữ và cẩm chướng.
Với mô hình sản xuất này, không những giúp ông Bảy trở thành triệu phú, mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Hội trưởng Hội Nông dân phường 1 (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), đánh giá cao về mô hình trồng kiểng lá của ông Bảy: “Hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang ngày càng chuyển dần sang hướng đầu tư theo chiều sâu và có sự áp dụng hiệp quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những mô hình sản xuất được đầu tư bài bản theo công nghệ cao như của ông Bảy đang được địa phương khuyến khích và có hướng hỗ trợ để phát triển”.
“Đặc biệt, đây cũng là mô hình đang được Hội Nông dân phường quan tâm và lấy làm mẫu để phổ biến cho các hội viên học hỏi và đầu tư phát triển trong tương lai”, ông Tuấn cho biết thêm.