Dân Việt

Việt Nam: Cường quốc về lương thực

Thuận Hải 04/09/2015 07:30 GMT+7
Tính đến cuối tháng 7.2015, các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã ký hợp đồng xuất khẩu được tổng cộng 4,45 triệu tấn gạo các loại. Liên tục nhiều năm liền trước đó, Việt Nam là 1 trong 3 cường quốc xuất khẩu lúa gạo của thế giới, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ.

Nhìn vào thành tích này, mấy ai biết rằng, ngành lúa gạo Việt Nam đã đi lên từ xuất phát điểm nghèo đói, thiếu ăn vật vã nhiều năm liền, kéo dài từ những thập niên 60, 70 đến đầu thập niên 80…

Tự chủ trên mảnh ruộng

Lúa gạo được xem là tiểu ngành chính trong ngành lúa gạo, góp phần vào việc giữ vững an ninh lương thực, đóng góp đến 30% tổng thu nhập ngành nông nghiệp. Lúa gạo cũng là kế mưu sinh của gần 9,3 triệu hộ dân trong tổng số 15 triệu hộ nông dân (ND) cả nước. Lúa gạo do đó đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam từ thời dựng nước đến nay.

img

Trên cánh đồng thử nghiệm lúa lai của Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam.  Ảnh: T.H

TS Lê Văn Bảnh – nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định, từ sau đổi mới, ND Việt Nam đã chủ động được sản phẩm của mình trên đồng ruộng, từ khâu nghiên cứu khoa học, tạo giống đến kỹ thuật canh tác… Nghĩa là so với các ngành khác như dệt may, điện tử… tỷ lệ nội địa hóa, giá trị tại chỗ do ngành nông nghiệp tạo ra cao hơn nhiều. Điều này đã khẳng định vị thế làm chủ của người ND trên mảnh ruộng của cha ông.

 GS-TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam cũng cho rằng, những năm sau thập niên 70, cùng với những cánh đồng lúa mở rộng ở miền Bắc, sản xuất nông nghiệp ở miền Nam, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL, bắt đầu phát triển.

Theo đó, nếu như sản lượng lúa vùng ĐBSCL vào năm 1975 chỉ đạt 4 triệu tấn thì đến nay, con số này đã tăng lên gấp 5 – 6 lần, đạt 24 triệu tấn mỗi năm. ĐBSCL trở thành vựa lúa chính không chỉ của cả nước mà là nơi xuất khẩu gạo với số lượng lớn nhất nhì thế giới.

Để có được thành tích vượt bậc này, từ xuất phát điểm là việc khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời, bắt tay vào nghiên cứu, lai tạo giống lúa cho năng suất cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, sau đó là phục vụ xuất khẩu, đến nay, các tỉnh phía Nam có khoảng 60 - 90 giống lúa, trong đó có 4 - 6 giống chủ lực, chiếm khoảng 200.000 - 300.000ha gieo trồng. Kết quả này, theo đánh giá của GS Bửu, nông nghiệp Việt Nam đã làm tròn vai, góp phần đảm bảo nguồn lương thực cho cả nước, giúp nông nghiệp chuyển từ việc lo cái ăn sang việc xuất khẩu, thu về ngoại tệ.

Thạc sĩ Dương Thành Tài, Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC) từng nhận định, để có được diện tích sản xuất lúa tăng từ 2 triệu ha năm 1975 lên xấp xỉ 3 triệu ha hiện nay, các biện pháp thủy lợi, thau chua rửa phèn, ngăn mặn, ngăn lũ… đã được ND cùng ngành nông nghiệp trong vùng tích cực thực hiện. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nước sông Mekong để cải thiện chất lượng đất, cung cấp nước cho phát triển nông nghiệp đã giúp ĐBSCL thành vựa lúa chính của cả nước.

Tận dụng sức mạnh tập thể

Trải dài 70 năm đổi mới, phát triển, nông nghiệp cả nước tận dụng khéo léo sức mạnh tập thể, thông qua việc vận động ND tham gia vào các mô hình sản xuất tập thể như Tổ hợp tác, hợp tác xã…

Chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp hình thành từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, với hình thức khoán việc, đến sự ra đời của hình thức khoán hộ, khoán 10 và tiếp tục cải tiến, phát triển với mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp đang được đẩy mạnh ở các địa phương hiện nay.

Kết quả cho những đổi mới này là những thành tích về thủy lợi, cải tạo giống, thâm canh tăng năng suất ở đồng bằng Bắc Bộ và việc mở rộng diện tích đất canh tác ở ĐBSCL… Nền nông nghiệp Việt Nam cũng phát triển vượt bậc, từ chỗ thiếu ăn triền miên trở thành vựa lương thực của thế giới.

Cụ thể, năm 1988, Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu hơn 450.000 tấn gạo, nhưng từ năm 1989, Việt Nam vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo mỗi năm từ 1 - 1,5 triệu tấn, tăng dần lên mức 4 - 4,5 triệu tấn những năm sau đó và xấp xỉ 7 triệu tấn trong những năm trở lại đây.

Việc phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để lập vùng nguyên liệu lúa gạo tiếp tục được Chính phủ khuyến khích, đẩy mạnh thông qua Nghị quyết 62 năm 2013. Cùng với mô hình cánh đồng mẫu lớn, việc hình thành các vùng nguyên liệu này tạo tiền đề cho việc xuất khẩu từ cây lúa, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo.

Nhận xét về cánh đồng mẫu lớn, GS Bùi Chí Bửu cho rằng, đây là chiến lược lớn của ngành nông nghiệp cả nước. Khác với những mô hình lao động tập thể cũ, CĐML là hình thức hợp tác hoàn toàn tự nguyện của ND. Cách thực hiện phù hợp với hiện trạng đồng ruộng nước ta, qua đó, tạo điều kiện cho nông dân tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị lúa gạo.

Còn ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thì cho rằng, cánh đồng mẫu lớn đã góp phần giải quyết những vấn đề mà trước đây, tự nông dân không thể giải quyết như vốn vay, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm…

“Khi tham gia vào cánh đồng lớn, ND phải sản xuất một cách “có trật tự”, tức phải từng bước thay đổi thói quen, tư duy sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo”- ông Thòn cho biết. 

 Để nâng cao thu nhâp người ND, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức 600 - 800 USD/tấn vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT đưa ra một loạt các giải pháp được như sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất lợi, đáp ứng yêu cầu thị trường, có giá bán cao...