Dân Việt

Người tuyên truyền hay, làm nông giỏi

Nguyễn Huy Hoàng 09/09/2015 15:19 GMT+7
Đã từng kinh qua chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trưởng Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện, nhưng có lẽ điều ông Đỗ Viết Cường, ở tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương (Tuyên Quang) khoái nhất là trở thành một "lão nông".

Hẳn vì thế, nên từ khi còn đương nhiệm, ông đã ngược miền rừng đến xã Phù Lưu (Hàm Yên) mua đất làm trang trại trồng cam, phát triển chăn nuôi. Rồi, sự kiên trì của ông cũng được đền đáp khi ông vinh dự là nông dân duy nhất của tỉnh Tuyên Quang được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015 do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Ký ức không phai…

Ông Cường lớn lên khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào thời kỳ cam go nhất. Chàng thanh niên Đỗ Viết Cường cũng như bao bạn bè cùng trang lứa xin nhập ngũ phục vụ cho Tổ quốc khi chưa đầy 18 tuổi. Ông trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 304, đóng quân ở tỉnh Quảng trị năm 1971; rồi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng đơn vị bộ binh Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 cùng đồng đội tham gia những trận đánh lớn.

img

Thương binh Đỗ Viết Cường chăm sóc vườn cam của gia đình. Ảnh: Huy Hoàng

Năm 1972, ông Cường nhớ lại, “có những lúc vừa mai táng cho đồng đội xong anh em lại lao ra trận tuyến chiến đấu với quân thù. Khi ấy, trong vai trò của người tiểu đội trưởng, ông Cường vừa chỉ huy vừa trực tiếp chiến đấu cùng các đồng đội. Những trận giáp lá cà, quần nhau với địch, ông Cường đã bị những mảnh vỡ của lựu đạn găm vào khắp cơ thể, phải về hậu phương điều trị. Nhiều bác sĩ, y tá nhìn vết thương loang lổ máu trên cơ thể và phần vết thương sâu trong đầu của ông mà không khỏi lo lắng. Thế nhưng như có một sức mạnh phi thường, ông bình phục rất nhanh, những mảnh kim loại găm ở tay chân ông được mổ gắp ra nhưng còn 2 mảnh vẫn nằm sâu trong đầu, gần não bộ nếu mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên ông phải sống chung với nó suốt đời. Chỉ sau hơn 4 tháng điều trị, ông Cường nằng nặc xin được trở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội. Người thương binh Đỗ Viết Cường như được hun đúc thêm ý chí chiến đấu quật cường và lập nhiều chiến công góp phần giải phóng Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Nhiều người nói rằng, ông Cường đã đánh thắng trên mọi mặt trận, bởi công việc nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Chiến tranh kết thúc, ông khoác ba lô về quê, rồi theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc, về dạy học ở nhiều địa phương trong huyện. Đến năm 1986, ông tiếp tục đi học nâng cao trình độ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Lâm, thị trấn Sơn Dương. Với tố chất của người "miệng nói tay làm", nói được, làm được, thế là huyện lấy ông lên làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện. Mỗi chức vụ công tác đều gắn với những kỷ niệm sâu sắc về nỗ lực vượt khó vươn lên của ông. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyện ông “bỏ nhà” lên rừng lập nghiệp, quyết trở thành "lão nông".

Chuyện cổ tích giữa đời thường

imgVào năm 2000, ông Cường quyết định đầu tư mua đất rừng ở xã Phù Lưu (Hàm Yên) để làm trang trại. Ông luôn bố trí thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến công việc nhà nước nhưng ước nguyện có một trang trại vẫn trở thành hiện thực. Ông quan niệm rằng, con người chỉ trưởng thành trong lao động và để thực hiện mục tiêu đó, ông đã phát triển một trang trại trồng cam rộng trên 4ha kết hợp với chăn nuôi lợn ''tên lửa'' và gà tại vùng đất Hàm Yên. 

Hồi ấy, cả thị trấn Sơn Dương truyền tai nhau câu chuyện lạ đời của ông Cường khi ông “bỏ” nhà cửa, vợ con để lên rừng lập nghiệp. Lựa chọn cây cam, một loại cây chưa mấy có tiếng tăm và giữa rừng núi hoang vu ông Cường chỉ làm bạn với gió núi và tiếng gà rừng. Nguyên đám đất ông mua được của bà con bản địa mọc toàn lau lách và nằm cheo leo giữa lưng chừng núi.

Cả bản Dao ở thôn Nặm Lương, xã Phù Lưu “tròn con mắt” khi thấy một ông thương binh tập tễnh với một con dao phát dắt hông và cái cuốc chim cứ cặm cụi bên nương, rồi lại đục từng hốc đá, chắt từng giọt nước dưới dộc suối vác lên tưới cây cam giống mới trồng chỉ bằng ngón tay. Để có nơi cư trú ông Cường dựng tạm lán nhỏ để canh nương cam, mỗi lần về quê thăm vợ con ông đèo thêm vài con gà, lợn giống để thả ở trang trại của mình. Những lúc vết thương tái phát, đầu ông như có búa rìu đập vào, ông chỉ dùng liều thuốc giảm đau rồi lại lao vào chăm sóc vườn cam và đám gà, lợn trong trang trại.

Có lần vợ ông (là giáo viên mầm non) lên thăm, bà chảy nước mắt vì cảm phục ý chí của chồng nên đã ở lại giúp ông sửa sang lại nhà cửa. Có những lúc cam chết ông lại hì hục trồng cây mới, thức trắng đêm để trông bọn “gặm nhấm” phá hoại cây cam non… Vậy mà chuyện làm giàu như “cổ tích” của ông Cường cũng đã thành hiện thực khi 3 năm sau vườn cam bắt đầu cho bói quả, gần chục năm sau thì thu hoạch về cả chục tấn. “Quả cam sành của gia đình tôi ngon nên được thương lái đến tận nơi thu mua hết, được cầm cả cục tiền trong tay tôi mới thấy chồng mình có mắt nhìn xa trông rộng”- bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Cường chia sẻ câu chuyện.

Vì thương hiệu cam Hàm Yên

Một ngày gần đây, chúng tôi trở lại thăm trang trại của ông Cường. Đập vào mắt là những đồi cam xanh mướt với những trùm quả sai trĩu trịt, ngôi nhà sàn nép bên vách núi hoà vào khung cảnh thật nên thơ. “Để có như hôm nay tôi phải mất gần 2 năm trời “đục đá” làm đường rồi phát cỏ dại lau lách mới có thể trồng được cây. Hơn 4ha cam mỗi vụ quả thu 300-500 triệu đồng”. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Cường còn vận động đồng đội là ông Nguyễn Văn Dung ở xã Phúc Ứng (Sơn Dương) cùng làm trang trại chia ngọt sẻ bùi.

Từ phát triển trang trại cam, ông Cường đã góp phần ít nhiều trong việc bảo tồn giống cây quý của địa phương và thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên trở thành một trong 10 loại quả ngon nhất Việt Nam. Ông Ma Hoa Tàm - Chủ tịch UBND xã Phù Lưu (Hàm Yên) cho biết, phát triển thương hiệu cam sành Hàm Yên đã giúp nhiều gia đình nông dân thoát nghèo, làm giàu. 

Mới đây, tập thơ Giọt thời gian của ông đã vinh dự được Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc chọn in. Thơ ông dẫu chỉ là thơ của “lão nông” nhưng sâu sắc bởi cái tình với nghề và sự trọn nghĩa tình của người lính: "Chiến sĩ Thành cổ đánh thật hay/Đội bom đạp đất suốt cả ngày/Đêm về tập kích tiêu diệt địch/Dũng cảm kiên cường dạ chẳng lay''- (Pháo đài hoa) hay “Tôi vẫn biết thời gian người bạn tốt/Giúp bao đời xanh lá đơm hoa/Tôi vẫn biết tình yêu là vô giá/Trái tim hồng hoà quyện những lời ca” (Giọt thời gian)… 

 Hiện nay, ông Cường là hội viên Câu lạc bộ Thơ Việt Nam, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Hương sắc Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương. Ông còn là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị ở Sơn Dương, bản thân ông đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc gặp mặt cho các đồng đội cũ, gây vốn giúp nhau trong phát triển kinh tế để cuộc sống của những người lính buông cây súng trở về địa phương là những nông dân   làm kinh tế giỏi.