Trong đó, ngoài bộ trang phục thổ cẩm truyền thống, thì những vật trang sức như vòng đeo cổ, khuyên tai, vòng tay, dây cườm, dây mã não... cũng được chị em phụ nữ Cơ Tu chưng diện. Đặc biệt, trong những ngày bản làng tưng bừng vào hội, chị em phụ nữ Cơ Tu lại tung tăng trong những bộ đồ đẹp nhất, những trang sức lung linh nhất, để hòa mình vào điệu múa Tân tung da dá. Tạo nên một hình ảnh đẹp giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Các cô gái Cơ Tu. (Ảnh: T.L)
Không ai biết chính xác nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Cơ Tu có từ bao giờ. Song đến mỗi bản làng Cơ Tu, vào mỗi gia đình, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung dệt. Cùng với những chất liệu, họa tiết, hoa văn, cách phối màu đỏ đen truyền thống thì việc đính hạt cườm trên mỗi tấm váy áo của phụ nữ được coi là điểm khác biệt nhất trong nghề dệt của người phụ nữ Cơ Tu. Và để có tấm váy đẹp, ưa nhìn, thu hút sự chú ý của mọi người chung quanh thì bất kỳ một người phụ nữ Cơ Tu nào cũng phải rất khéo léo trong việc đính hạt cườm lên váy áo của mình.
Chị Bnướch Thị Tâm-thôn Za Ra, xã Tà Bhing huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Đối với người con gái Cơ Tu như em thì việc sâu cườm rất khó và lâu, nhưng em vẫn làm, vì đó là công việc chỉ dành riêng cho phụ nữ. Khi làm xong một dây hạt cườm, em đeo trên người mình trong những dịp lễ hội và mình sẽ giữ gìn nét truyền thống văn hóa của người Cơ Tu, mỗi lần tham gia lễ hội thì em cảm thấy rất tự hào vì vẽ đẹp của người phụ nữ Cơ Tu được tôn vinh.
Khi bản làng rộn ràng có dịp vào hội, ngoài việc chọn cho mình bộ váy áo thổ cẩm đẹp nhất, bà Ria'h Tâm thôn Za Ra, ở xã Tà Bhing huyện Nam Giang cũng không quên những đồ trang sức quý giá như nhiều phụ nữ Cơ Tu khác là một chiếc vòng bạc đeo cổ, một đôi khuyên tai, dây mã não, dây cườm vòng đồng đeo tay kể cả những chiếc thắt lưng được dệt rất công phu, với nhiều họa tiết, hoa văn đẹp, thể hiện sự khéo léo, dịu dàng của người phụ nữ. Bà Rịa'h Tâm- thôn Za Ra, xã Tà Bhing huyện Nam Giang phấn khởi nói: Nhà tôi có rất nhiều sợi dây cườm, dây mã não đỏ ông bà ngày xưa để lại, mỗi khi lễ hội tôi thường đem ra đeo lên người, làm như thế này vừa để tôi đẹp hơn trong ngày hội, cũng như để con cháu biết được kỷ niệm, truyền thống của ông bà, để giữ gìn đến muôn đời sau.
Chị Nguyễn Thị Thu Lan - trưởng nhóm dệt thổ cẩm Za ra, xã Tà Bhing huyện Nam Giang cho biết thêm: Mỗi lần lễ hội ở đây chị em thường mặc đồ thổ cẩm và đeo những trang sức đồ cổ ngày xưa của ông bà để lại, và khi các chị đã đeo trang sức và mặc đồ thổ cẩm thì rất tự hào vì đó sẽ góp phần giữ gìn bản sắc cũng như tôn vinh vẽ đẹp của người phụ nữ Cơ Tu.
Trong những ngày lễ hội, những điệu múa Tân tung da dá khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên tô đậm thêm vẻ đẹp riêng có trong trang phục của chị em phụ nữ Cơ Tu như một điểm nhấn trong bức tranh sinh đẹp của núi rừng.