Dân Việt

Ngậm ngùi nhớ mái nhà xưa

Nguyễn Ngọc Tuyết 02/09/2015 15:03 GMT+7
Buổi sáng ngồi uống cà phê ở một quán quen gần khu chợ nhỏ, nhìn qua bên kia đường lại thấy căn nhà xưa. Ngôi nhà với mái ngói rêu phong xây theo hình bánh ú trong thành phố này quen thuộc với tôi biết bao.

Cách kiến trúc một gian, hai chái vừa mang nét truyền thống của nhà nông thôn lại vừa chịu ảnh hưởng của kiểu nhà Tây cách đây cả trăm năm lúc trước còn thấy nhan nhản nay đã gần như mất hẳn qua những cuộc bể dâu cùng với những đổi mới phát triển của thành phố quê nhà. Nhưng căn nhà trước mặt tôi thì lâu nay vẫn vậy.

Lọt thỏm trong con đường nhỏ cạnh khu chợ, lọt thỏm bên mấy nhà lầu cao ngất cạnh đó, ngôi nhà vẫn đứng đó, sạch đẹp, tinh tươm với cái sân nhỏ, hàng cột tròn nâng đỡ ba gian thâm thấp, mở rộng các cửa cho nắng sáng ùa vào soi rọi từng vẻ uy nghiêm cổ kính một thời…

img

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (số 255A, đường Nguyễn Huệ, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: IT

Nhắm mắt lại, hình ảnh cô giáo cũ của tôi, vị chủ nhân ngôi nhà chợt hiện ra, rõ ràng như mới hôm qua. Cô tôi là con nhà điền chủ ruộng vườn “cò bay thẳng cánh”, lấy chồng cũng “môn đăng hộ đối” nên từ quê tản cư ra đây xây căn nhà lớn này. Cô từng dạy nữ công cho trường nữ tiểu học tỉnh lỵ bởi cô rất khéo léo chuyện bánh trái, thêu thùa. Trong trí nhớ tôi cô thật đẹp, thật dịu dàng trong chiếc áo dài màu xanh ngọc hay xanh ve chai, hai màu ưa thích của cô; mái tóc rất dày được bới thành một búi to tròn gọn ghẻ, trên vành tai là đôi bông cẩm thạch xanh biếc phù hợp với đôi vòng ngọc thạch lên nước xanh bóng, trong vắt trên cổ tay trắng mịn, quý phái. Mãi đến giờ, cô giáo dạy nữ công những năm tiểu học vẫn là người đẹp nhất, sang nhất tôi không thể quên.

Cô tôi mất đã lâu, mấy đứa con được thừa hưởng căn nhà xưa. Bao năm nay, qua lại chỗ này tôi vẫn thấy ấm lòng. Có điều nhà cổ cả trăm năm ngày một xuống cấp không biết con cháu có điều kiện để trùng tu nữa không?

Ôi những ngôi nhà cổ bên đường, sao xao xuyến lòng người là vậy! Và tôi, buổi sáng nay sao lòng cứ mênh mang một nỗi hoài cổ đầy ngậm ngùi, nhớ tiếc khôn nguôi…