Dân Việt

Ngọt ngào Tháp Mười mùa ong về!

Bài, ảnh: Đoàn Xá 04/09/2015 06:01 GMT+7
Thật lạ, khi những con nước tràn về cả vùng Đồng Tháp Mười (nằm trên địa phận Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp) rộng mênh mông chìm trong nước lại chính là lúc người nuôi ong hối hả bước vào vụ thu mật chính.

Từ nhiều năm qua, nghề nuôi ong dưới những tán rừng tràm rộng mênh mông trở thành nét đặc trưng của Đồng Tháp Mười với sản phẩm là mật ong rừng tràm, trở thành một thương hiệu nổi tiếng của một trong những vựa lúa lớn nhất Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng.

Những ngày này, dọc theo tuyến đường quốc lộ 62 từ thành phố Tân An chạy xuyên quan Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa để tới vùng lõi của Đồng Tháp Mười, quan sát kỹ bạn sẽ thấy có hàng chục những trại ong nằm lấp ló ven đường. Với lợi thế là hàng trăm ngàn héc-ta rừng tràm, một loài cây gần như đặc trưng của những vùng đất trũng ngập phèn mặn, nơi này đang được coi là “thế giới hoa tràm” để những đàn ong tìm đến hút mật, dâng cho đời vị ngọt nồng nàn.

Theo những người nuôi ong, mật ong rừng tràm có hương vị tự nhiên thơm ngon, lại nhiều công dụng, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ vì tinh dầu tràm trong hoa rất tốt. Thêm nữa, so với hoa của nhiều loại cây ăn trái khác thì hoa của cây tràm nhiều hơn. Nông dân trồng tràm không lo ong có thể làm ảnh hưởng tới năng suất mùa vụ, cũng là lý do khiến những người nuôi ong ở Đồng Tháp Mười cảm thấy thoải mái, có thể di chuyển đàn ong dễ dàng từ khu vực này qua khu vực khác.

img

Khác với những loài hoa thông thường khác, khi lấy mật từ bông tràm, mật ong luôn có một vị thương ngon lẫn mùi hương đặc trưng như dầu gió của loài cây này. Đó chính là nét độc đáo mà nhiều người thích mật ong rừng tràm và cũng là lý do để những trại ong tìm về đây ngày một nhiều hơn.

img

Hiện nay, đang là lúc tràm trổ bông nên lượng mật thu được rất lớn. Mỗi thùng ong như vậy có khi cho cả 5-6 lít mật mỗi lần lấy. Ngày nào người nuôi cũng phải kiểm tra cầu ong và các thùng ong để biết được tiến trình làm mật của chúng. Được biết, tuổi thọ của ong khá thấp, chỉ từ 30 đến 35 ngày/vòng đời mà thôi.

img

Thông thường, một thùng ong có khoảng 10 cầu ong. Mỗi cầu ong có gần 1 triệu con ong thợ và 1 con ong chúa làm nhiệm vụ sinh sản. Cứ mỗi ngày, ong chú đẻ ra hàng ngàn trứng ong con. Sau khoảng 12 ngày, ong con bắt đầu bay ra khỏi thùng đi tìm mật.

img

Mỗi ngày, ong thợ ở các cầu ong này thay phiên nhau bay đi đến những bông hoa để tìm hút mật. Trung bình, một ngày ong thợ bay khoảng 8 cây số cả đi lẫn về. Cá biệt, nhiều khi ong thợ bay xa tới 6-7 cây số nhưng chúng vẫn nhớ đường về.

img

Có một kinh nghiệm là để cho ong thợ bớt hung dữ hơn, không đốt, cắn người khi đi kiểm tra, người nuôi ong thường phải đốt một vài thanh củi khô để tạo khói nơi nuôi ong. Ong thợ thấy khói sẽ thuần tính và hiền lành hơn.

img

Khi những cầu ong chuyển qua màu vàng nhạt, thoảng mùi thơm đặc sánh là lúc lượng mật đã đạt yêu cầu. Đây là thời điểm người nuôi ong lấy cầu ong ra, vắt mật từ những tổ ong này. Thông thường, nếu là mùa tràm trổ bông nhiều như hiện nay, khoảng 12 đến 15 ngày là lấy mật một lần. Riêng những mùa tràm ít bông, có khi phải mất gần một tháng mới đủ lượng mật cần thiết.

img

Nghề nuôi ong cũng như nghề du mục. Khi những cánh rừng tràm ít bông, để đảm bảo chất lượng mật cần thiết, người nuôi ong lại phải di chuyển bầy ong của mình đi những khu vực khác, nơi có những cánh rừng hoa mới. Vì thế, cuộc sống của họ thường khá tạm bợ, chỉ là một cái nán nhỏ giữa rừng sông cùng bầy ong và một vài vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường nhật mà thôi.

img

Hoa tràm, một loài hoa khá lạ lẫm với nhiều người nhưng lại vô cùng nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.