Dân Việt

Giảm gần 1.200 đồng/lít, giá xăng vẫn chưa rẻ với người Việt

Mai Hương 04/09/2015 10:42 GMT+7
Với mức thuế phí chiếm tới 50% trong cơ cấu giá, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá mặt hàng xăng vẫn chưa thể được coi là rẻ với người Việt Nam dù giá xăng của ta hiện ở trong Top giá rẻ so với thế giới và trung bình trong khu vực…

Không rẻ so với thu nhập của dân!

Sau khi giảm gần 1.200 đồng/lít hôm 3.9, giá xăng RON 92 trong nước hiện chỉ còn 17.338 đồng/lít. Mức giá này được cho là thấp so với thế giới và ở mức trung bình trong khu vực. Giá xăng của Việt Nam hiện chỉ cao hơn Brunei, Indonesia, Malaysia…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thu nhập, đời sống của người dân Việt Nam cũng đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực nên giá xăng  hiện nay không hề rẻ so với người Việt…

img

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng dầu hiện đang gánh quá nhiều thuế phí thì không thể rẻ

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định: Hiện nay, chưa có cơ chế giám sát độc lập nào về giá xăng của Việt Nam cũng như chưa có cơ quan nào điều chỉnh hành vi “vị trí thống lĩnh” của ngành xăng dầu. “Giá xăng của Việt Nam vẫn là giá độc quyền, thị trường biến động thế nào thì giá xăng dầu trong nước cứ phải chờ 15 ngày mới điều chỉnh một lần. Cả nước có hơn 20 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhưng giá xăng dầu tăng giảm thế nào đều cùng quy về một giá và người dân phải chịu giá đó” - ông Doanh thẳng thắn.

Ông Doanh cũng chỉ ra rằng, giá xăng trong nước hiện vẫn chưa theo kịp diễn biến và tốc độ giảm của giá xăng dầu thế giới. Đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang phải “gánh” một chi phí không nhỏ khi phải sử dụng xăng dầu.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng đã coi giá xăng dầu của ta là một trong những chi phí đắt đỏ bên cạnh chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu. Xăng ở Việt Nam đắt hơn nhiều nước trong khu vực, nếu tính trên thu nhập đầu người. Với mức giá 17.833 đồng/lít xăng RON 92 như hiện tại, giá xăng của ta còn đang cao hơn hàng chục nước trong khu vực và thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, so sánh giá xăng của Việt Nam hiện nay với các nước là cũng là khập khễnh, bởi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đến giờ mới chỉ đạt hơn 2.000 USD/người/năm, trong khi của Australia năm 2013 đã là 67.458 USD/người/năm, Đức là 46.269 USD/người/năm, Nhật Bản là 38.634 USD/người/năm. Các nước có giá xăng xấp xỉ Việt Nam như Indonesia, Malaysia thì cũng có thu nhập bình quân đầu người cao hơn ta nhiều, là 3.475 USD/người/năm và 10.538 USD/người/năm…

Gánh nhiều thuế phí sao rẻ?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng dầu hiện đang gánh quá nhiều thuế phí thì không thể rẻ; đặc biệt, quy định lợi nhuận định mức tính vào cơ cấu giá xăng đang quá ưu ái cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, “giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay vẫn chưa thấp tương xứng với mức biến động của xăng dầu thế giới vì phải gánh quá nhiều thuế phí. Hiện nay thuế phí đang chiếm quá nửa giá so với giá gốc nhập về”.

Cụ thể, trung bình 1 lít xăng RON 92 đang phải chịu khoảng 1.900 đồng tiền thuế nhập khẩu (thuế suất 20%); 1.200 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 10%); chi phí định mức 1.050 đồng; lợi nhuận định mức 300 đồng; trích Quỹ Bình ổn giá 300 đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng; thuế giá trị gia tăng 1.700 đồng...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng xác nhận: “Xăng của chúng ta có quá nhiều khoản thu. Giá xăng gần 17.388 đồng/lít thì có một nửa là thuế phí trong đó. Tính chung 7 lần giảm 4 lần tăng từ đầu năm tới nay, giá xăng hiện tại mới chỉ rẻ hơn so với giai đoạn đầu năm hơn 500 đồng/lít, mức quá ít so với kỳ vọng của người tiêu dùng trong nước khi giá xăng dầu thế giới liên tục lao dốc mạnh.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, để giá xăng dầu của Việt Nam thấp phù hợp với thu nhập của người Việt Nam, ít nhất cần tháo gỡ 3 vướng mắc. Một là tách việc dự trữ kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp ra khỏi dự trữ an ninh năng lượng quốc gia. Làm vậy để tránh việc “đánh đồng” giữa dự trữ quốc gia và nhiệm vụ dự trữ kinh doanh của doanh nghiệp khiến giá xăng dầu không được cập nhật theo thị trường.

Hai là tính toán lại theo hướng giảm hoặc bỏ bớt các yếu tố như thuế, trích định mức, lợi nhuận, quỹ bình ổn xăng dầu… để giá xăng dầu không rườm rà, mù mờ và có thể vận hành theo đúng giá thị trường.

Cuối cùng theo ông Phong, là phá bỏ thế thống lĩnh thị trường của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam; cải thiện cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu mà ở đó, lợi ích của doanh nghiệp xăng dầu phải được tách bạch, không còn nguy cơ của lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu…

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp xăng dầu lãi “khủng” do chi phí định mức kinh doanh mỗi lít xăng RON 92 từ 860 đồng được tăng lên 1.050 đồng/lít. Doanh nghiệp lại được duy trì lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng và giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nên doanh nghiệp nhập được với giá thấp.

Ông Long nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế thị trường, không có ngành nào lại được quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít bất di bất dịch như ngành xăng dầu hiện nay. Theo nguyên tắc doanh nghiệp kinh doanh phải tự tính toán, đối mặt với lỗ lãi. Kinh doanh tốt thì được lãi, còn không sẽ có lúc lãi cao, lãi thấp hoặc thua lỗ, phá sản. Cứ ấn định mức lãi nhất định là 300 đồng/lít xăng như hiện nay, kinh doanh xăng dầu quá sướng, lo gì lỗ”.

Ngày 3.9, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm giá các mặt hàng xăng dầu bán trong nước. Theo đó, xăng RON 92 giảm 1.198 đồng/lít, xăng E 5 giảm 1.198 đồng/lít, dầu diezel giảm 111 đồng/lít, dầu hỏa giảm 123 đồng/lít, dầu mazut giảm 785 đồng/lít. Như vậy, giá xăng RON 92 hiện chỉ còn 17.338 đồng/lít, xăng E5 là 16.843 đồng/lít, dầu diezel là 13.310 đồng/lít, dầu hỏa 12.286 đồng/lít, dầu mazut là 9.351 đồng/kg.