Ở miền sông nước Cửu Long người bình dân chia cua làm hai loại: Cua đồng con nhỏ, màu nâu sậm, sống nhiều ở ao, đìa, đặc biệt là trên các cánh đồng mênh mông nước trắng. Loại cua lớn hơn, màu vàng gạch, thường sống ở các cửa sông giáp biển là cua biển. Người dân quê bắt cua biển bằng cách đặt lọp, đặt đáy hoặc câu.
“Ai ơi bền chí câu cua/ Dù ai câu chạch, câu rùa mặc ai” – Ca dao
Cua biển cũng như cua đồng là có con đực có con cái. Con đực càng lớn, yếm nhỏ, ngược lại, cua cái càng nhỏ, yếm lớn. Nhiều lão nông dân cam đoan chắc một điều là vòng đời con cua đực khá ngắn ngủi. Theo đó, đến độ tuổi trưởng thành khi hoàn thành xong nghĩa vụ duy trì nòi giống là cua đực rũ (chết mòn), cá biệt con nào tránh được thì “bỗng” trở nên thái giám và lớn hết cỡ, dân gian gọi là cua kềnh!
Cua biển vừa bắt được.
Canh chua cua biển.
Theo kinh nghiệm, nếu đi bắt cua vào những ngày sáng trăng thường là cua ốp (vỏ mềm, thịt bộp, không ngọt, nhiều nước). Ngược lại, nếu bắt cua vào những ngày tối trời thường là cua chắc. Nhưng ngon nhất là cua hai da, tức là trước khi cua lột (cua thường lột vào mùng 10 và ngày 25 âm lịch hàng tháng). Từ khoảng tháng Chín đến tháng Chạp hàng năm, bắt được cua cái lúc tối trời sẽ được những con gạch son (gạch điều), thịt ngon, gạch đầy, cứng béo bùi.
Sau đó, dùng sơ dừa cọ rửa lại cho cua thật sạch, để ráo, bắc nồi nước sôi lên luộc chín cua. Vớt cua ra, tách lẽ càng, ngoe để riêng. Nồi nước luộc cua cho me chua hoặc bần chín đã lược bỏ xác, hột vào nấu. Nêm đường, bột ngọt, muối hột cho nồi canh vừa ăn. Có thể nấu cùng rau bổi, dân gian thường chọn bông súng, bông lục bình, rau nhúc, … Nếu không thì nấu canh chua với khóm, cà chua, đậu bắp, nấm rơm, … Cho rau bổi vào nấu chín, nêm lại rồi trút cua vào nồi trở lại. Chờ nước sôi thì nhắc xuống, rắc ngò gai, ớt xắt lát lên phía trên.
Canh chua cua biển chấm với muối hột đâm nhuyễn, bột ngọt và ớt hiểm thì ngon thấu trời. Ai đã từng thưởng thức qua rồi đều khó quên lắm vậy!