Dân Việt

Tháng 10 sẽ trình phương án giá điện mới

Mai Hương 04/09/2015 17:49 GMT+7
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều nay (4.9), Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) ông Đinh Thế Phúc cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo Bộ Công Thương các phương án cải tiến giá bán lẻ điện mới để bộ này xem xét trình Chính phủ quyết định.

Về biểu giá điện mới, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Đinh Thế Phúc cho biết, giá bán lẻ điện sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. EVN chỉ tính các phương án cải tiến giá bán lẻ điện để trình lên Bộ Công Thương xem xét trình Chính phủ.

Sẽ rút bớt bậc!

“EVN đã báo cáo lên Bộ các phương án giá bán lẻ mới từ tháng 8 vừa qua và chúng tôi đang yêu cầu trong tháng 9 này EVN phải tổ chức hội thảo tại cả 3 miền để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, các chuyên gia về các phương án và cơ cấu giá bán lẻ điện mới như thế nào cho hợp lý. Sau khi xem xét đầy đủ các ý kiến, biểu giá điện mới sẽ được “chốt lại” để trình Bộ và trình Chính phủ quyết định”, ông Phúc nói.

Dự kiến, trong tháng 10 tới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phương án giá bán lẻ điện mới này.

img

Dự kiến, trong tháng 10 tới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phương án giá bán lẻ điện mới

Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận: Biểu giá điện bậc thang hiện nay có nhiều bất cập. Với cơ cấu biểu giá điện 6 bậc như hiện nay thì nếu dùng sau 400 kWh, giá điện sẽ được tính cao hơn các mức khác khoảng 1.000 đồng/kWh, lên tới 2.587 đồng/kWh. Điều này đã khiến cho hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt từ 1,5-3 lần mấy tháng vừa qua.

Ông Đinh Quang Tri-Phó tổng giám đốc EVN khi đó cũng nhìn nhận: Nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả càng cao. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Bậc thang lũy tiến thứ 6 nếu dùng từ 401 kWh trở lên có giá lên tới gần 2.600 đồng/kWh. Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Ông Tri còn ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng.

Vì các lý do nêu trên, Cục Điều tiết Điện lực mới phải nghiên cứu thay đổi cơ cấu giá bán lẻ điện. “Sắp tới dự thảo biểu giá điện bán lẻ mới sẽ thay đổi theo hướng rút bớt số bậc thang từ 6 xuống 3 bậc để giúp cách tính giá điện đỡ phức tạp hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và cũng dễ dàng hơn cho cơ quan quản lý.

Giá bán lẻ điện bình quân cũng sẽ thay đổi

Trong một diễn biến khác, để chuẩn bị cho việc triển khai thị trường bán buôn điện cạnh trạnh tới đây, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết, đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền về việc sửa đổi Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định: “Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường sẽ đảm bảo phản ánh đúng tín hiệu giá và tính hiệu quả của thị trường bán buôn điện cạnh tranh”.

Theo ông Tuấn, định hướng xây dựng cơ chế giá điện sẽ tập trung vào các nội dung: Điều chỉnh cơ chế giá bán lẻ phù hợp với thiết kế của thị trường bán buôn điện; chi phí mua điện trên thị trường điện là một yếu tố đầu vào để xác định giá bán lẻ điện; giá điện kịp thời phản ánh được biến động của các thông số đầu vào trên thị trường như giá nhiên liệu, tỉ giá, cơ cấu nguồn huy động… của đơn vị điện lực, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được tiếp tục hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt.

“Như vậy giá bán lẻ sẽ phản ánh theo quy luật cung cầu trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Qua đó chúng ta phải đảm bảo được các mục tiêu quan trọng là chuyển sang điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từng bước mở rộng cạnh tranh đến các khâu trong dây chuyền sản xuất kinh doanh điện, đồng thời thực hiện chủ trương chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước là hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho các hộ gia đình nghèo, hộ chính sách”, ông Tuấn nói.