Theo ông Phúc, các doanh nghiệp có hợp đồng vay vốn ngoại tệ đầu tư hay phải nhập nguyên vật liệu thì đều bị ảnh hưởng giá cả với tỷ giá tăng lên vừa qua. Khi tỷ giá biến động, Bộ Công Thương có yêu cầu các doanh nghiệp điện, than, dầu khí tính toán tác động tỷ giá. Đây là hoạt động thường xuyên, nhưng do lần này tỷ giá biến động mạnh nên các doanh nghiệp đã có báo cáo sớm hơn.
Bộ Công Thương chưa có đề xuất gì về việc đưa hàng nghìn tỷ đồng mà các tập đoàn điện, than, dầu khí kêu lỗ do biến động tỷ giá vào giá điện
Cụ thể, theo Bộ Công thương, Tập đoàn Than và Khoáng sản cho biết, chênh lệch tỷ giá đã làm các nhà máy nhiệt điện mà tập đoàn này đầu tư phát sinh khoản lỗ 1.200 tỉ đồng. Tập đoàn đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện.
Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kêu chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng rất lớn. Cộng tất cả 3 “ông lớn” này vào thì số lỗ do tỷ giá có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ông Ngô Sơn Hải-Phó Tổng giám đốc EVN lo lắng, nếu tất cả các đơn vị điện của than khoáng sản hay dầu khí đưa hết lỗ do tỷ giá vào giá điện sẽ tác động rất lớn tới tình hình tài chính của EVN.
Trước các thông tin này, ông Phúc khẳng định: “Khi có báo cáo đánh giá tác động tỷ giá tới giá điện đầy đủ, chúng tôi sẽ tính toán tác động tới chi phí bán lẻ thế nào. Nếu chênh lệch tỷ giá lớn, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Tài chính xem giải quyết phân bổ thế nào cho phù hợp. Còn hiện nay Bộ Công Thương vẫn chưa có đề xuất gì”.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thêm, bất cứ điều chỉnh nào liên quan đến giá điện, Bộ Công Thương đều phải phối hợp với các bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư mới đưa ra được quyết định. Nếu không thuộc thẩm quyền thì Bộ sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định. Do vậy, việc lỗ do tỷ giá, hay điều chỉnh giá điện đều sẽ phải được cân nhắc và xem xét kỹ càng mới có thể quyết định.