Dân Việt

Gập ghềnh đi cùng con chữ - Kỳ 1: Những đôi chân “hạt tiêu”

Tùng Anh 07/09/2015 06:39 GMT+7
LTS: Chiếc xe đạp - một phương tiện rất đỗi bình thường trong hành trang tới trường của học sinh bao năm nay nhưng dường như vẫn đang là “ước mơ” xa xỉ với hàng triệu học sinh nghèo miền núi. Leo rừng, lội suối thậm chí đi bộ vượt hàng chục cây số để đến trường là những câu chuyện không hiếm ở nơi đây. Ước mơ đi cùng con chữ của các em theo đó cũng thật gập ghềnh...

Những đôi chân đen đúa, lấm lem, chai lỳ bụi đất; những thân hình gầy gò, bé quắt hạt tiêu... liêu xiêu dưới cái nắng hè chói chang trên những chặng đường xa tít... Những hình ảnh đó cứ ám ảnh chúng tôi mãi trong loạt hành trình đi tìm kiếm và nâng đỡ những ước mơ tới trường xa tắp của học sinh nghèo...

Đi học cũng phải “chia ca”

 Đến xã Tân Thành (Hàm Yên, Tuyên Quang) vào một ngày cuối tháng 8, dưới cái nắng gắt giữa trưa hè, thầy giáo Lý Anh Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Việt Thành không ngại đầu trần cưỡi chiếc xe máy cà tàng chở phóng viên xuống tận nhà cô học trò nhà nghèo nhưng học giỏi - Quách Thị My ở thôn Mỏ Nghiều. Đường từ trung tâm xã tới thôn Mỏ Nghiều không quá xa, nhưng đi lại không hề dễ dàng gì. Dưới trời nắng gắt mà con đường mòn đất vẫn lầy lội và trơn trượt, có đoạn phải vượt qua con suối sâu nước lút cả bánh xe.

img

Sau mỗi trận mưa, con đường đất tới trường của anh em nhà cô bé Quách Thị My (trái) chỉ có 3 km nhưng phải đi mất cả giờ vì lầy lội. Ảnh: LHT

Đón chúng tôi trong căn nhà xập xệ trên đỉnh đồi, anh Quách Văn Hinh (bố bé My) lúng túng vì tìm mãi trong nhà không đủ ghế cho khách ngồi uống nước. Cô bé Quách Thị My năm nay đã lên lớp 7 nhưng cân cả người và cặp sách cũng chưa được ... 20kg. Thầy cô và các bạn trong trường gọi My là “cô bé hạt tiêu”.

Anh Hinh cho biết, sau khi sinh đứa con thứ 4 cách đây gần 5 năm, mẹ My phát bệnh tâm thần, suốt ngày đập phá đồ đạc, mắng chửi và cấm không cho các con đi học. Cả nhà dốc tiền chạy chữa mãi mà bệnh mẹ My không khỏi. Rồi đến 1 ngày, bà bỏ đi đâu không ai biết...

Sau khi mẹ bỏ đi, gia đình My cũng lâm vào cảnh túng quẫn, trở thành hộ nghèo nhất nhì thôn Mỏ Nghiều. Bố My 1 nách 4 con trong cảnh “gà trống” không thể đi làm xa để kiếm tiền nên 5 miệng ăn của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và công việc làm thuê bữa đực bữa cái của bố.

My cũng vì thế mà trưởng thành, già dặn hơn so với tuổi, mỗi buổi sáng, “cô bé hạt tiêu” phải thức dậy từ 4 giờ sáng, dọn dẹp, cơm đùm cơm nắm và sửa soạn cùng các anh chị em đến trường. Sau khi tan học My lại về nhà giúp bố nấu nướng, chăm sóc em trai nhỏ và đàn lợn, gà. Nhà 4 anh chị em đều đi học nhưng chỉ có 1 chiếc xe đạp cà tàng đã cũ nát nên phải chia nhau đi theo “ca”. Hôm nào lịch học trùng thì My phải đi bộ hoặc đi nhờ các bạn khác để nhường anh và chị đi học trường cấp 3 ở xa hơn.

Khi hỏi My nếu có một điều ước em sẽ ước gì, cô bé thì thầm: “Em chỉ ước có 1 cái xe đạp nữa để 4 anh chị em không phải chia nhau mỗi lần đi học”.

Làm đôi chân cho mẹ

Không khá hơn hoàn cảnh của My, nỗi lo vào năm học mới của cậu bé 10 tuổi Lục Minh Quân - thôn Hội Kế (Ninh Lai, Sơn Dương, Tuyên Quang) lại là việc: Nếu em đi học thì ở nhà không ai lo cho người mẹ tật nguyền.

Nhà 4 anh chị em đều đi học nhưng chỉ có 1 chiếc xe đạp cà tàng đã cũ nát nên phải chia nhau đi theo “ca”, buổi sáng và buổi chiều. Hôm nào lịch học trùng thì My phải đi bộ hoặc đi nhờ các bạn khác để nhường anh và chị đi học trường cấp 3 ở xa hơn. 

Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà bé Quân, anh Phó Chủ tịch xã Ninh Lai - Lưu Trung Thành cứ nhắc đi nhắc lại: “Mẹ con nhà này khổ lắm, thằng bé mới 10 tuổi mà đã phải một mình chăm mẹ tật nguyền gần 5 năm trời”. Căn nhà chừng 10m2 của người mẹ đơn thân, tật nguyền Lục Thị Nam gọi là nhà cho nó “sang” chứ thực ra chỉ là một chỗ để hai mẹ con chui ra chui vào theo đúng nghĩa. Trong nhà không có tài sản nào giá trị quá 50.000 đồng. Người phụ nữ nhỏ bé, gương mặt khắc khổ, già nua, ngồi thu lu trong một góc nhà. Cậu bé Quân ngồi cạnh mẹ cũng gầy nhom và đen nhẻm.

Không ngăn được dòng nước mắt, chị Nam kể với giọng méo mó, khó khăn: “Bố chết sớm, khi Quân mới được 4 – 5 tuổi thì tôi tự dưng mắc bệnh hiểm nghèo, chân tay run rẩy, co quắp và teo dần, đi lại rất khó khăn, mắt cũng mờ đi, giờ chỉ nhìn được loang loáng. Đi khám thì người ta bảo bị lắm bệnh lắm... không có tiền chữa chạy nên bệnh càng ngày càng nặng”. Hai mẹ con không có thu nhập gì, tất cả chỉ trông chờ vào sự cưu mang đùm bọc của xóm giềng và khoản tiền 180.000 đồng trợ cấp hàng tháng cho người mẹ đơn thân.

Từ khi mẹ bị bệnh, cậu bé Quân mới 5 tuổi khi ấy đã trở thành đôi chân, cặp mắt của mẹ. Giờ đây mỗi sáng, Quân đã quen với việc phải thức dậy từ sớm, mang xô đi xách nước từ nhà hàng xóm, hoặc múc nước mương làm nước sinh hoạt, rồi nấu cháo cho 2 mẹ con ăn, giúp mẹ vệ sinh, quét nhà cửa sau đó mới cặp sách đến trường. Những đêm trái gió trở trời, người mẹ đau đớn, Quân đều phải thức dậy đấm bóp, xoa cho mẹ, đỡ cho mẹ đi vệ sinh.

Đoạn đường từ nhà đến trường không quá xa, nhưng đối với cậu bé lớp 5, mỗi ngày đi học là một ngày đầy lo lắng: “Con lo cho mẹ ở nhà không có ai sai bảo làm việc này việc kia, tan học là con phải chạy ngay về nhà vì biết mẹ đang chờ con” – Quân tâm sự. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng cậu bé Quân suốt mấy năm tiểu học đều là học sinh khá, giỏi. Đó cũng là niềm an ủi lớn nhất của người mẹ tật nguyền: “Tôi thường bảo cháu, mẹ yếu thế này con phải cố gắng mà học để sau này lớn có thể tự lo được cho bản thân. Cháu hiểu và thương tôi lắm”.

Giọt nước mắt của người mẹ tật nguyền trong căn nhà tối cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường về. Chỉ mong có một “phép màu” để bước chân mỗi bước chân đến trường của cậu bé Quân được vững vàng, bằng phẳng hơn.