Từ khi chuyển sang làm nghề gỗ ván bóc, gia đình chị Hà lãi 500 triệu đồng/năm.Ảnh: K.D
Xuất thân là một hộ thuần nông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào vài sào ruộng trồng lúa, trước đây gia đình chị Hà khá chật vật. Không cam chịu cuộc sống khó khăn, với lợi thế nhà ở dọc Quốc lộ 70, năm 2004 chị Hà mạnh dạn vay vốn đầu tư mở quán ăn. Sau 8 năm làm dịch vụ ăn uống, với số vốn tích góp được, năm 2012 nhận thấy nhu cầu ván bóc tăng, chị mạnh dạn chuyển sang mở xưởng sản xuất gỗ ván bóc.
Chị thu mua các loại gỗ rừng trồng như keo, bồ đề trên địa bàn huyện và thuê 25 công nhân làm việc với thu nhập từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi thành công với xưởng bóc gỗ đầu tiên, năm 2013 chị tiếp tục mở thêm xưởng mới tại xã Khánh Hòa, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 người dân tại địa phương. Đến nay, gia đình chị Hà tiếp tục đầu tư góp vốn mở thêm 2 xưởng gỗ ván bóc tại huyện Bảo Yên (Lào Cai) và 1 xưởng tại huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Sau gần 4 năm chuyển sang nghề sản xuất, chế biến gỗ ván bóc, mỗi năm gia đình chị Hà lãi ròng 500 triệu đồng. Chị Hà tâm sự: “Qua thực tế công việc của gia đình tôi càng khẳng định một điều: Nông thôn muốn giàu mạnh, người dân có đủ việc làm thì phải mở mang ngành nghề mới ngoài nghề nông nghiệp…”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hà còn là tấm gương tiêu biểu trong việc giúp đỡ người dân, nhất là hội viên, nông dân trong và ngoài xã. Năm 2014, chị Hà ủng hộ 2,2 triệu đồng cho thôn để xây dựng nhà văn hóa. Bà Nguyễn Thị Hiếu- Chủ tịch Hội ND xã An Lạc khẳng định: “Chị Hà là một trong những tấm gương nông dân điển hình đi đầu trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên địa bàn xã. Không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp nhiều người dân có việc làm, thu nhập ổn định…”.