Dân Việt

Người hơn 10 năm “vác tù và”

Thu Hà 07/09/2015 08:23 GMT+7
Chi hội trưởng chi hội ND gần như không có chế độ gì, nên nếu không có lòng nhiệt huyết thì ít người nào “chịu khó” đảm đương cái “chức” này. Nhưng với anh Lê Văn Khương ở xóm Hải Lộc, Nghĩa Lộc, (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), 10 năm ở cương vị chi hội trưởng chi hội ND là khoảng thời gian làm việc có nhiều ý nghĩa.

Cán bộ nản, dân biết trông vào ai?

Ở nông thôn, bà con trong xóm, làng đều nhắm đến những người năng động, nhiệt tình để bầu giữ “chức” chi hội trưởng ND. Điều này càng đúng khi nghe anh Lê Văn Khương thổ lộ:  “Bà con đã tín nhiệm bầu mình làm chi hội trưởng thì mình phải có trách nhiệm với họ và nhiệt huyết với phong trào. Nhiều khi mình phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết”.

img

Anh Lê Văn Khương (phải) cùng thành viên tổ hợp tác  chăm sóc ruộng bí xanh. Ảnh: T.H

Anh Khương làm chi hội trưởng ND xóm Hải Lộc đã hơn 10 năm. Mỗi khi hội viên có yêu cầu giúp đỡ bất cứ việc gì là anh có mặt. Khi được hỏi làm công tác nông vận thù lao gần như không có, công việc như nuôi con mọn, có khi nào anh nản? Anh Khương cười và chia sẻ chân thành: “Vất vả thì có, nhưng nản thì không, hơn nữa còn thấy ở công việc nhiều niềm vui. Chi hội trưởng ND kể ra cũng tiếng là cán bộ. Cán bộ mà nản thì dân biết trông vào ai?”. 

Hải Lộc là xóm thuần nông  với hơn 90% số hộ dân sống bằng sản xuất nông nghiệp. Người dân quanh đi quẩn lại vẫn chỉ trồng những cây trồng cũ như khoai, lúa, làm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” cũng chỉ đủ ăn.  Đất lâm nghiệp gần như bị bỏ hoang. Anh Khương vận động bà con thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực tham gia các buổi tập huấn, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi do Hội ND tổ chức. “Lúc đầu, bà con ngại tiếp cận cái mới, tôi đến từng nhà vận động. Rồi tôi làm trước, thấy mình “nói được làm được” dần dà bà con sẽ nghe và làm theo”- anh Khương bày tỏ.

Gây dựng mô hình hợp tác

Anh Khương vẫn còn nhớ lúc đi vận động bà con trong xóm Hải Lộc trồng bí xanh an toàn trên đất lúa, nhiều người hoài nghi về hiệu quả kinh tế. Để chứng minh, anh dành 2 sào đất lúa của gia đình trồng bí xanh. Kiến thức, kỹ thuật học được ở các lớp dạy nghề được anh áp dụng thuần thục trên ruộng bí nhà mình. Nhìn ruộng bí xanh mướt, lúc lỉu quả, thu nhập từ 10–12 triệu đồng/sào/vụ, cao gấp 5 lần so với trồng lúa, nhiều hộ trong xóm đã tìm đến học hỏi.

Năm 2011, thấy nhu cầu bí xanh an toàn trên thị trường khá cao, anh Khương tập hợp 7 hộ trong xóm tham gia tổ hợp tác trồng bí do anh làm tổ trưởng. Anh điều hành từ khâu mua giống, lịch xuống giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch rồi kết nối với thị trường tiêu thụ. Ngoài kiến thức trồng bí, anh theo học các lớp hạch toán kinh doanh do Tổ chức ADDA (Đan Mạch) phối hợp Hội NDVN tổ chức.

Đến nay, tổ hợp tác của anh Khương đã hoạt động ổn định với 9 thành viên tham gia trồng 3ha bí xanh. Tổ hợp tác hiện có quỹ tài sản cố định là hơn 100 triệu đồng và quỹ tương hỗ hơn 30 triệu đồng. Hỏi nhỏ anh, mỗi tháng anh được tổ hợp tác trả “lương” bao nhiêu? Anh Khương cười vui vẻ: “Mỗi tháng tôi được tổ hợp tác chi cho 50.000 đồng tiền điện thoại. Làm công tác Hội ND ở chi hội nếu chỉ nghĩ thiệt hơn thì không nên làm...”.

Bận bịu với công việc chi hội là thế nhưng công việc nhà anh Khương vẫn giỏi giang. Với 15ha trồng keo, 2.000m2 thả cá truyền thống, nuôi 5 con bò, trồng 4 sào bí xanh mỗi năm trừ chi phí anh Khương có khoản lãi trên 200 triệu đồng. 

“Vất vả thì có, nhưng nản thì không, hơn nữa còn thấy ở công việc nhiều niềm vui. Chi hội trưởng ND kể ra cũng tiếng là cán bộ. Cán bộ mà nản thì dân biết trông vào ai?