Dân Việt

"Chết" vì đa cấp kiểu mới - Bài 4: Đừng để đa cấp "bịp" dân

Quang Huy 11/09/2015 09:35 GMT+7
Ngày càng nhiều người mắc bẫy các mô hình tài chính đa cấp, hụi đa cấp... nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng về kinh doanh dịch vụ đa cấp để có giải pháp quản lý hữu hiệu.

Đã đến lúc phải đưa ra quy định

Thật ra thì thời gian qua, Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã đặt vấn đề quản lý kinh doanh dịch vụ, tài chính theo kiểu đa cấp. Tuy nhiên, hiện nhiều nước trên thế giới cũng chưa có quy định quản lý kinh doanh đa cấp trong lĩnh vực dịch vụ để chúng ta có thể học hỏi. Ngay cả việc định nghĩa chính xác thế nào là kinh doanh dịch vụ kiểu đa cấp (để quản lý đúng đối tượng mà không gây thiệt hại cho các đối tượng dịch vụ khác) cũng rất khó khăn, nhất là trong một thị trường mà Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

img

TS NGUYỄN NGỌC SƠN, Trưởng khoa Luật ĐH Tôn Đức Thắng

Mặt khác, không chỉ ở nước ta mà ngay cả ở nước ngoài, mô hình đa cấp rất phong phú và đa dạng, thường xuyên đưa ra những kiểu mô hình, cách kinh doanh mới. Muốn xử phạt kinh doanh dịch vụ kiểu đa cấp là rất khó, vì như đã nói ở trên thì tới nay vẫn chưa thể định nghĩa cho chính xác kinh doanh thế nào mới gọi là đa cấp.

Đơn cử, kinh doanh bảo hiểm cũng chia lãi theo mô hình đa cấp nhưng nói đó là kinh doanh dịch vụ đa cấp để cấm hay xử phạt thì không xong. Lý do, người mua bảo hiểm mua sản phẩm bảo hiểm từ chính công ty chứ không mua từ người môi giới, còn người “đi bán” bảo hiểm chỉ là người môi giới chứ đâu có bán!

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là cứ buông lỏng, thả nổi. Ngày càng nhiều người bị lừa vì tham gia vào các mô hình tài chính đa cấp, hụi đa cấp... Đã đến lúc Bộ Công Thương cần có một nghiên cứu kỹ lưỡng về kinh doanh dịch vụ đa cấp để đề xuất giải pháp quản lý hữu hiệu. Về phía người dân, quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu đầy đủ thông tin, cân nhắc và cẩn trọng trước các quyết định kinh doanh đa cấp của mình.

Có quy định cũng sẽ “chạy” không kịp

Nghị định 42/2014 chỉ cho phép bán hàng hóa theo mô hình đa cấp, không cho kinh doanh dịch vụ theo mô hình đa cấp và cũng cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Còn Nghị định 71/2014 có quy định xử phạt đến 60 triệu đồng nếu DN “không thực hiện đúng quy định về đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp”. Như vậy có thể hiểu là kinh doanh dịch vụ, kinh doanh tài chính theo phương thức đa cấp sẽ bị phạt đến 60 triệu đồng, thậm chí phạt đến 100 triệu đồng nếu “kinh doanh theo mô hình kim tự tháp”.

img

ThS NGUYỄN ANH TUẤN, khoa Marketing ĐH Tài chính marketing

Trên thực tế, các DN chọn cách bán tượng trưng một vài món hàng với giá rất đắt để không bị xem là kinh doanh dịch vụ, kinh doanh tài chính. Các DN không có bán hàng kèm theo mà chỉ huy động vốn, kêu gọi nộp tiền vào để hưởng lãi suất... thì không đưa ra hợp đồng, giao kèo gì với người tham gia thể hiện có chia lãi đa cấp. Thứ nhất là để khỏi bị quy là vi phạm “kinh doanh theo mô hình kim tự tháp”, cơ quan quản lý không có chứng cứ gì để phạt DN. Thứ hai, khi người tham gia muốn kiện đòi bồi thường thì cũng không có bằng chứng nào hữu hiệu, có kiện cũng thua!

Những người kinh doanh đa cấp thường hết sức tinh vi. Quy định dù có sửa đổi, bổ sung kiểu gì thì họ cũng có cách “biến hóa”. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều vậy. Vì vậy, để tránh thiệt hại do kinh doanh đa cấp gây ra, chính người dân phải tự cân nhắc khi quyết định tham gia. Ngay cả khi cầm chắc giấy tờ, hợp đồng có ghi rõ cam kết chia lãi thì người tham gia cũng nên nhớ rằng công ty chỉ trả lãi, trả nợ gốc, trả vốn góp nếu công ty còn tài sản mà người tham gia không thể biết tài sản của công ty ra sao. Nếu người dân có kiện dân sự, họ đưa hóa đơn, chứng từ ra thể hiện đã kinh doanh thua lỗ, không còn tiền nữa thì dù có thắng kiện cũng khó lấy được tiền!

Chính chúng ta đang tự lừa mình!

Sau loạt bài “Chết vì đa cấp kiểu mới”, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến:

Bạn đọc NM: Ở quê tôi đa cấp hoành hành dữ dội. Nhiều người bị lôi kéo vô gói chăm sóc sức khỏe nhưng chăm sóc gì đâu. Chủ yếu là kêu người thành lập chân rết để lấy hoa hồng “khủng”. Người tham gia có cả vợ công an, hội phụ nữ... Một cựu quan chức nói với tôi, trước đây khi phụ trách kinh tế, ông ra sức bảo vệ và đề nghị chấp nhận kinh doanh đa cấp ở Việt Nam bởi ông nghiên cứu thấy đa cấp ở nước ngoài có thể giúp người già, người nghèo chăm chỉ bán hàng kiếm thu nhập. Nhưng khi đa cấp tràn vào thì không quản nổi và ông hối tiếc. Biết bao gia đình lụn bại nhưng chế tài lỏng lẻo.

Nguyễn Thị Phượng: Có việc gì không làm mà có tiền không? Có việc gì mà bỏ tiền đầu tư thì rồi chờ lãi “khủng”? Tại các bạn không muốn làm mà vẫn muốn có tiền nhiều. Một số cá nhân lợi dụng và “đánh” vào suy nghĩ ngồi mát ăn bát vàng nhưng tại sao các bạn không nghĩ có làm thì mới có ăn mà người ta nói không làm vẫn có ăn lại nghe.

Ngành kinh doanh đa cấp sao nó được cấp phép hoạt động? Theo tôi, bán hàng đa cấp không xấu, không phải lừa đảo mà chính chúng ta đang tự lừa mình. Có rất nhiều công ty đa cấp chân chính và phải bỏ công bỏ sức mới có thu nhập.

Huỳnh Hoàng Phong: Nên kiểm soát thật chặt hình thức kinh doanh này. Nếu cần thì nên có một tổ công tác đặc biệt trong bán hàng đa cấp. Thực tế nhiều đơn vị chuyên đi dụ dỗ, lôi kéo để người trước lừa người sau và người này lại lừa tiếp người sau nữa để mong tìm lại số tiền mình bị lừa... Những người này vào vòng xoáy lừa mãi cho đến khi bị thiệt hại về vật chất, chưa kể đến những tổn thất về tinh thần do sự lừa dối gây ra cho họ hàng, vợ, bạn thân. Chung quy là do ham lợi, xem trọng vật chất đã gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.