Vẫn nhớ nghề nông
Theo tiếng gọi miền đất mới, khi mới 18 tuổi (năm 1979) anh Tân rời quê Hưng Yên đến Quảng Ninh học nghề khai thác than và xin vào làm công nhân tại Công ty Than Mông Dương. Sau hơn 10 năm tích lũy vốn liếng, vừa làm công nhân, anh Tân vừa khai hoang được 3.000m2 đất đồi. Năm 1990, anh xin nghỉ làm công nhân để tập trung cho việc trồng rừng. Với bản tính cần cù, chịu khó nên chỉ trong một thời gian ngắn, mảnh đồi của anh đã biến thành một rừng cây xanh. Thấy việc phát triển kinh tế rừng hiệu quả, năm 1992 chính quyền địa phương đã đồng ý cho anh mở rộng diện tích trồng rừng thêm 60ha đồi trọc bỏ hoang.
Anh Phạm Văn Tân giới thiệu hệ thống đầm nuôi tôm thẻ chân trắng bán công nghiệp của gia đình. Ảnh: h.a.t
Ngay sau khi được mở rộng đất rừng, anh Tân đã đi học hỏi kỹ thuật ươm trồng cây keo ở nhiều nơi trong tỉnh. Và thành công đầu tiên đối với anh chính là việc ươm đủ số lượng keo giống trồng cho hơn 10ha rừng. Anh Tân nhớ lại: “Chỉ 5 năm sau, số lượng keo do tôi ươm giống đã đủ cung cấp cho hơn 30ha rừng của gia đình và một phần bán cho các hộ dân khu vực lân cận. Cùng năm 1997, keo lứa đầu cho thu hoạch, tuy giá bán chưa cao và thị trường tiêu thụ cũng chưa phong phú như bây giờ. Đến đợt khai thác năm 2003, gỗ keo đang được thị trường tiêu thụ nhiều, vừa phục vụ chống lò tại các mỏ than, vừa làm nguyên liệu giấy, làm gỗ ép… Giá bán bình quân lúc đó đạt từ 25-30 triệu đồng/ha”.
Tỷ phú nông dân
"Tính hiệu quả của 1ha rừng keo trồng 10 năm sẽ cho thu khoảng 110 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng keo 1 lần khai thác toàn bộ”. |
Theo anh Phạm Văn Tân, nếu trồng keo chỉ để bán làm nguyên liệu giấy thì cũng không hiệu quả nhiều. Phải tiến hành trồng khai thác tỉa dần, chu kỳ này mất 10 năm, nhưng hiệu quả thì cao gấp 3 lần so với trồng và khai thác keo 1 lần trong 5 năm.
Trồng 10 năm theo cách khai thác tỉa dần, thì được 3 chu kỳ. Chu kỳ đầu tiên là 4 năm, khai thác keo làm nguyên liệu giấy. Chu kỳ 2 là 7 năm khai thác làm gỗ chống lò, làm gỗ ép cao cấp. Chu kỳ 3 là 10 năm, khi đó gỗ có bán kính lớn hơn, chất lượng tốt hơn nên giá bán cũng cao hơn. Tính hiệu quả của 1ha rừng keo trồng 10 năm sẽ cho thu khoảng 110 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng keo 1 lần khai thác toàn bộ.
Không để lãng phí nguồn cỏ xanh dồi dào sẵn có dưới tán keo, năm 2000 anh Tân về tận Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ) để học hỏi kinh nghiệm và mua bò giống về nuôi. Hiện, mỗi năm anh xuất bán khoảng 20 con bò thịt. Cũng trong thời gian này, anh tiếp tục đầu tư 4ha đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Ban đầu anh Tân chỉ nuôi quảng canh, mỗi năm 1 vụ. Năm 2009 anh Tân đầu tư 600 triệu đồng chuyển sang mô hình nuôi bán công nghiệp. Hiện nay, mỗi năm anh nuôi 2 vụ, cho thu hoạch khoảng 20 tấn tôm/năm.
Anh Tân còn làm thêm dịch vụ. Hiện anh là chủ của 2 nhà hàng phục vụ ăn uống, tổ chức sự kiện, hội họp, đáp ứng được số lượng hàng trăm khách. Từ mô hình làm kinh tế trên, anh Tân đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động thường xuyên, với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.