Dân Việt

Làng nghề dầm chèo “ăn theo” mùa nước nổi

Bài, ảnh: Trọng Bình 13/09/2015 14:30 GMT+7
Làng nghề dầm chèo ở khóm Thới Hòa, phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên (An Giang) ra đời khoảng 20 năm nay. Tuy còn khá “trẻ” so với nhiều làng nghề truyền thống khác ở An Giang nhưng làng nghề này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong những mùa nước nổi.

Do đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt và những tháng mùa nước nổi, bà con chủ yếu sử dụng phương tiện vận chuyển hàng hóa, đi lại bằng ghe, xuồng,... nên dầm chèo Mỹ Thạnh bán khá chạy, được nhiều nơi tin dùng. Mới đây nhất, làng nghề dầm chèo ở khóm Thới Hòa này đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu tập thể “Làng nghề dầm chèo Mỹ Thạnh”. Anh Lê Văn Tiến, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất dầm chèo Mỹ Thạnh cho biết: “Làng nghề hiện có 12 hộ (tham gia đăng ký sở hữu thương hiệu tập thề) với trên dưới 60 lao động có mức thu nhập bình quân từ 80.000 – 150.000 đồng/người /ngày. Bình quân mỗi tháng làng nghề sản xuất trên dưới 3.000 sản phẩm (dầm chèo nhiều kích cỡ)”.

Làng nghề sản xuất quanh năm nhưng cao điểm vào mùa nước nổi (từ giữa tháng 7 đến tháng 11 âm lịch hàng năm), lượng sản phẩm tăng lên gần gấp đôi.

“Thấy đơn giản vậy chứ không dễ đâu. Phần trên nước, dưới nước, phần bơi, phần chèo, rồi chỗ tay cầm… phải canh tỷ lệ ngặt lắm; Rồi mép dầm tùy cỡ lớn hay nhỏ phải có độ xòe thích hợp… Không biết thì làm dầm bơi không có lực, chèo chẳng đi tới đâu hoặc ngược lại bơi, chèo rất nặng tay” – anh Nguyễn Thành Việt, một người làm nghề lâu năm ở đây cho biết.

Hy vọng với kinh nghiệm làm ra sản phẩm dầm chèo được tin dùng trên thị trường, nhất là đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, mùa nước nổi năm nay sẽ đem đến cho bà con làng nghề nơi đây sự bội thu.

img

Định hình dầm, là khâu đầu tiên để làm chèo.

img

Kết hợp cơ giới hóa để làm ra những sản phẩm chất lượng.

img

Từ sau khâu định hình, dầm chèo không còn khuôn thước nào chuẩn mực mà chỉ trông cậy vào sự khéo léo, mềm dẻo của đôi tay cùng sự tinh tế của đôi mắt cùng kinh nghiệm kế thừa hàng chục năm.

img

img

img

Dầm chèo sau khi bào nhẵn được cho “uống nắng” (phơi trở dưới nắng và bẻ uốn thường xuyên) để tạo độ dẻo bền.

img

Dầm chèo đủ kích cỡ, kiểu dáng.