Dân Việt

Doanh nghiệp với nông nghiệp

Vĩnh Hoàng 15/09/2015 07:30 GMT+7
Liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học qua nhiều năm, vẫn chưa tìm ra ai là người “giữ lửa”? Mặc dù, doanh nghiệp có vai trò liên kết, liên thông, là “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng.

Trong sản xuất nông nghiệp,  bên cạnh vai trò điều hành của Chính phủ, vai trò chủ lực của người sản xuất, cần phải có sự đồng hành quyết định của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực giải quyết 4 khó khăn lớn của ngành nông nghiệp và người nông dân hiện nay: Thứ nhất, các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, có thể  đầu tư nông nghiệp quy mô lớn và hiệu quả. Thứ hai, doanh nghiệp nắm bắt thị trường nhanh, giúp kết nối thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và quốc tế. Thứ ba, doanh nghiệp có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản. Thứ tư, doanh nghiệp là chủ lực quân trong xây dựng, truyền bá thương hiệu hàng hóa nông sản Việt Nam.

img

Doanh nghiệp có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản. Ảnh minh họa

Hiện tại, vốn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần? Vì doanh nghiệp vấp không ít khó khăn về cơ chế, chính sách. Ví dụ, để đầu tư trồng hoa, doanh nghiệp phải đóng 25% thuế nhập khẩu nhà kính, 10% thuế giá trị gia tăng, có nghĩa là mất 35%  thuế nộp cho nhà nước. Mặc dù, trên nguyên tắc, doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thì dĩ nhiên, họ được hưởng chế độ ưu đãi về thuế. Nhưng với cơ chế mơ hồ, Luật Công nghệ cao lại không đề cập rõ mức đầu tư ưu đãi là bao nhiêu, nên họ vẫn bị hải quan làm khó và phải chịu mức thuế 25%.

Mặt khác, để đầu tư một nhà kính, ít nhất, doanh nghiệp phải bỏ ra 3 tỷ đồng, trong khi ngân hàng không chấp nhận sử dụng nhà kính làm tài sản thế chấp vay vốn. Chính những yếu tố trên, vô hình trung làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngay trong nước và xuất khẩu nông sản ra nước ngoài. Đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp nông nghiệp “mãi chưa chịu trưởng thành”, chưa chịu đồng hành với nhà khoa học, nhà nông trong tái cơ cấu nông nghiệp,chuyển dịch kinh tế nông thôn.

Từ kinh nghiệm thành công của các quốc gia phát triển, cho thấy rằng, Việt Nam cần có quyết sách đủ mạnh về: Đất đai, vốn, tín dụng, chính sách thuế và các vấn đề về hành chính, pháp lý..., để giải phóng năng lực doanh nghiệp nông nghiệp thoát khỏi quy mô “li ti hóa”, để thành “nhạc trưởng” trong chuỗi liên kết “4 nhà”. Khi doanh nghiệp “khỏe”  là giúp nông dân giành thắng lợi trong sản xuất tới thắng lợi trong hợp đồng.