Bà Lê Thị Huyền ở xã Hương Thủy nói: Khoảng 5 năm lại nay, mùa mưa lũ đến là người dân sống hai bên bờ sông Ngàn Sâu này lại bị nước sông dâng cao đột ngột cuốn đi tất cả ruộng vườn. “Mưa hai, ba ngày thì không ngập nhưng khi Thủy điện Hố Hô xả lũ nước băng đồng, 3 sào đất trồng màu của gia đình tôi ngập chìm trong nước. Từ ngày có thủy điện đến giờ dân chúng tôi rất khổ sở. Mùa hè thì nước sông cạn kiệt, mùa mưa thì lo ngay ngáy, nhiều hôm phải ôm đồ đạc, thóc gạo chạy lũ trong đêm khi thủy điện xả nước” - bà Huyền nói.
Sự cố kỹ thuật của Thủy điện Hố Hô năm 2010 khiến hàng chục ngàn hộ dân vùng hạ du phải sơ tán gấp ngay trong đêm. (Ảnh: H.A)
Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Thông- Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô, hiện nhà máy đã lắp còi hú cảnh báo tại 4 xã gần nhà máy gồm Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô và Gia Phố; ngoài ra 7 xã vùng hạ lưu có trang bị loa cầm tay thông báo khi xả lũ. Tuy nhiên theo ông Đinh Hữu Tân - Bí thư Huyện ủy Hương Khê, còi hú mà Nhà máy này lắp đặt ở các xã trên chỉ phủ sóng được chừng 1km, không phủ sóng được cả xã vì vậy dân khó nhận biết. Đặc biệt tại 2 xã Gia Phố và Hương Đô lắp đặt còi hú không đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Hiền Lương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng cho hay: Nhà máy Thủy điện Hố Hô lắp đặt còi hú như vậy là chưa đạt, chỉ là lắp đặt lấy lệ. Hơn nữa, cách thông báo bằng còi hú cũng phải được nhà máy lập phương án rõ, hú như thế nào thì nguy hiểm, chứ cứ hú chung chung như vậy người dân sẽ hoảng loạn.
Ông Lê Đình Sơn-Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Nhà máy Thủy điện Hố Hô phải nghiêm túc thực hiện việc cảnh báo xả lũ cho người dân trong mùa mưa lũ. Đặc biệt chú ý việc triển khai lắp đặt còi hú, tiếng hú, tiếng nhạc của còi hú phải có cấp độ rõ ràng. Chứ không phải cứ bật loa kêu, người dân không biết thế nào mà lần. Nếu vấn đề này mà không xử lý dứt điểm thì không cho nhà máy vận hành.