Từ xa xưa, đa số bà con vùng Bảy Núi – An Giang chủ yếu sống bằng nghề nông - lâm kết hợp và thường xuyên chở nông sản thực phẩm, gia súc, cây củi ra chợ mua bán, trao đổi. Phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa phổ biến của bà con vùng này là xe ngựa, xe bò Bảy Núi.
Suốt gần một thế kỷ trôi qua, bà con ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn đã gắn bó thân thiết với con bò và con ngựa, cũng giống như người đồng bằng sông nước gắn liền với con trâu và chiếc xuồng.
Tại An Giang - tỉnh thứ hai sau Trà Vinh là nơi có đàn bò đông nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (khoảng trên 80.000 con). Chỉ riêng vùng Bảy Núi, đàn trâu bò cũng lên tới 50.000 con. Từ đó, bà con dùng sức kéo bằng bò và sử dụng xe bò trong việc vận chuyển hàng hóa cũng là điều tất nhiên.
Xe bò vận chuyển lúa, rơm trên đồng ruộng.
Vào những ngày lễ Tết và hội hè, nhất là lễ hội vía Bà tháng tư, du khách đổ về Bảy Núi sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc xe ngựa chở đầy những sản vật của núi rừng thong dong trên những con đường bằng phẳng, còn xe bò thì chất lỉnh kỉnh nào rơm rạ, nào lúa thóc, cọc cạch lăn bánh trên những cánh đồng hoặc đủng đỉnh trên những con đường làng như chở nặng tình quê.
Xưa kia, bà con sử dụng xe ngựa, xe bò, xe trâu thường gọi là “đi ngựa”, “đi bò” và “cộ trâu”, nhưng từ khi các phương tiện trên được cải tiến dần, nhiều người mới gọi là “xe”. Thời ấy, có không ít gia đình ở miền núi và nông thôn thường hay trang trí cỗ xe bò, xe ngựa một cách lộng lẫy để rước dâu. Chính hình ảnh đó đã tạo thành những ấn tượng văn hóa miệt vườn thật khó quên.
Có lẽ ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, chỉ ở vùng Bảy Núi và một số ít nơi như Trà Vinh, Kiên Giang và một số tỉnh miền Trung là còn sót lại phương tiện chuyên chở cổ truyền bằng xe bò, xe ngựa với kiểu dáng thô sơ nầy. Đặc biệt cỗ xe bò Bảy Núi của người Khơme có tay cầm lái dài và cong vút được trạm trổ rất cầu kỳ và mang nặng yếu tố tâm linh. Tuy rằng hình dáng thùng xe có vẻ đơn giản, không tay vịn, người ngồi không quen cứ lắc qua lắc lại cơ hồ như muốn ngã. Bánh xe lúc đầu làm bằng gỗ quý, công phu và rất đắt tiền. Sau nầy, bánh xe bằng gỗ dần dần được thay thế bằng khung sắt hoặc bánh bơm nên chạy nhanh và ít dằn xốc hơn. Giờ đây, những cỗ xe bò độc đáo ngày xưa, đặc biệt là bánh xe gỗ quý hiếm đã trở thành vật trang trí trong các khu du lịch, biệt thự và nhà hàng, quán ăn.
Nhiều bà con tại Bảy Núi kể rằng, trước đây phương tiện vận chuyển phổ biến ở vùng này chỉ có xe ngựa và xe bò. Dọc theo những con đường dưới chân núi Dài, núi Cô Tô và núi Cấm lúc nào cũng có những chuyến xe ngựa chở người và hàng hoá từ các phum sóc xuống các phố huyện và chở hàng công nghệ phẩm từ thị trấn ngược lên các xã miền núi. Còn xe bò thì chở nặng hơn có thể đi trên ruộng và cả lộ xe một cách an toàn.
Ngày nay, du khách đến vùng Bảy Núi đều say mê nghe tiếng nhạc ngựa và ngắm nhìn những cỗ xe bò cọc cạch bên cạnh những chiếc xe hơi đời mới bóng lộn. Nhưng những cỗ xe bò Bảy Núi đó đã làm nên nét đẹp của bức tranh quê sống động và gợi lại trong chúng ta nhiều điều thú vị về sự thay đổi nếp sống văn hóa – văn minh của các huyện miền núi An Giang.
Xe bò vận chuyển trên các cung đường tráng nhựa.
Xe bò, phương tiện chuyên chở hữu dụng nhất trên vùng Bảy Núi.
Một trong những đàn bò ở Tịnh Biên – An Giang (ảnh chụp lại tại phòng trưng bày).
Cùng với xe bò, xe ngựa còn được trang trí rất đẹp mắt, thay thế cho cả xe hơi, phục vụ đưa rước dâu trong đám cưới của đồng bào Khmer An Giang, tạo nên nét văn hóa độc đáo của vùng này. (Ảnh: Lê Gia Bảo)