Thấy khách lạ vào bản, mấy cô bé, cậu bé bẽn lẽn, e ấp nhìn rồi chỉ biết nói câu “chi pâu” (không biết) để trả lời chúng tôi. Duy có các mẹ, các cụ già là đon đả mừng vui, vừa lấy bánh ra mời khách, vừa niềm nở kể chuyện, giới thiệu về cách làm bánh ngô. Những nụ cười đôn hậu ấy là ấn tượng khó phai mờ trong lòng đoàn du khách chúng tôi.
Bà con trong bản kể: Bánh ngô là một trong những món ăn có từ lâu đời của người Mông. Tuy nhiên, mỗi năm bà con chỉ làm thứ bánh này một lần, thường vào mùa Thu. Cách chế biến cũng cầu kỳ chẳng kém chuyện dệt áo váy của cô gái Mông nên không phải ai cũng có duyên được thưởng thức.
Ở bản thường làm hai loại bánh từ bắp ngô là bánh ngô nếp và bánh ngô tẻ. Bánh ngô nếp làm từ ngô nếp trắng hoặc ngô nếp tím. Bánh ngô tẻ làm bằng ngô tẻ trắng hoặc ngô tẻ vàng. Nhưng ngô tẻ vàng vẫn được ưa chuộng hơn. Nếu như bánh ngô nếp gói bằng lá chuối thì bánh ngô tẻ lại gói bằng chính lớp áo của bắp ngô. Tuy dịp này nhà nhà đều làm bánh này nhưng không phải ai cũng biết cách chọn ngô để làm bánh được ngon.
Đĩa bánh ngô (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Câu chuyện cứ miên man đã đưa tôi nhớ về ngày thơ bé còn ở quê, cũng vùng đồi núi tỉnh Hòa Bình này. Có lần tôi theo bà vào bãi ngô, được bà dặn dò: Người làm bánh ngô nếp khi vào vườn phải chọn được những bắp ngô ở độ mà những bẹ lá ngoài cùng đã bắt đầu lốm đốm vàng. Để khi bóc sạch bẹ ngô, lấy móng tay ấn vào hạt đã gần khô, chỉ còn ít nước trong tim ngô là ngon nhất. Còn nếu cháu chọn ngô vừa độ chín như ngô ta vẫn hay luộc thì bánh sẽ nhão, ăn mất ngon. Còn nếu lựa ngô quá già bánh sẽ khô.
Khi chọn ngô, tôi nhớ bà thường lột bỏ phần bẹ ngô, râu ngô. Hạt ngô sau khi được say nhuyễn thành bột tựa như người ta nhào bột nếp làm bánh. Còn nhớ mùa này, làng trên xóm dưới đi đâu cũng nghe tiếng xay ngô ù ù như mỗi khi bà con dưới xuôi được mùa lúa. Việc xay ngô bằng cối đá bao giờ cũng giữ được hương vị hơn dùng máy say hiện đại. Bởi thế, dẫu vất vả nhưng các bà, các mẹ vẫn mải miết với công việc làm bánh ngô của mình. Khi bột đã xay xong, mấy chị em tôi học theo bà cách nặn bột thật khéo để bánh được tròn, đẹp như chiếc bánh rán vừa vặn, giúp bánh mau chín. Tàu lá chuối xanh ngoài vườn được dọc thành những mảnh lớn gấp 3 lần chiếc bánh đã nặn. Đặt chiếc bánh nằm giữa mảnh lá, gấp phần lá thừa ở hai bên vào giữa và gấp tiếp lá thừa từ dưới lên chỉ để hở phần trên chiếc bánh.
Bánh được xếp vào nồi hấp cũng phải khéo để không bị chồng lên nhau như kiểu mẹ địu con mà phải xếp chéo, tạo ra khoảng trống cho hơi bốc lên để bánh không bị sống.
Khi đến đây thì sự chờ đợi để thưởng thức bánh trong 6 giờ đồng hồ là những tiếng cười giòn tan của mọi người trong gia đình.
Với bánh bông ngô tẻ thì cách chọn bắp có khác một chút. Phải là những bắp ngô vừa ở độ chín để luộc lên ăn được là đẹp nhất. Nhưng vì ngô tẻ chọn làm bánh còn non nên bột rất nhuyễn. Bà dặn chúng tôi không dùng tay nặn được mà phải dùng muôi múc bột vào bẹ lá ngô đã chuẩn bị và gói thành hình tam giác đều. Bẹ lá ngô lấy từ chính những bắp ngô chọn làm bánh. Bởi thế, từ khi chọn bắp ngô bà đã phải để nguyên bắp và lấy dao sắc cứa vòng tròn quanh bắp ngô để tạo ra những bẹ ngô dài khoảng 10cm trở lên. Khi gói xong cách xếp bánh để hấp cũng giống như bánh ngô nếp. Bánh chín được xếp vào nong nia hoặc rổ rá tỏa hương thơm rất lạ. Khi ăn bánh ngô nếp có thể rót một ít mật ong ra bát để chấm.
Bánh ngô trong trí nhớ của tôi là vậy, trở thành ký ức tuổi thơ không thể quên. Nay có dịp đến với bản Mông, lại được nghe các chị các cụ già kể về chiếc bánh ngô truyền thống đã thức dậy trong tôi về một thời đã qua với bao buồn vui nhưng lắng đọng. Đến với những gia đình người Mông ở đây đúng dịp làm bánh ngô, bạn cũng sẽ được thưởng thức bánh ngô nếp nướng và bánh ngô tẻ vùi tro. Một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên mùi vị ngọt ngào, dân dã nhưng ấm tình người nơi đây.